Đề phòng nguy cơ trẻ bị chó tấn công
Rất nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra khi trẻ bị vật nuôi tấn công, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè. Mới đây nhất, ngày 19/7, bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận trường hợp bé gái 8 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng mạch không, huyết áp không, xuất huyết não, nhiều vết thương vùng đầu bị chảy máu. Bé đã bị một con chó ngao Tây Tạng nặng 40kg tấn công. Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng bé đã không qua khỏi.
Trường hợp thương tâm của bé gái một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đến vật nuôi trong nhà khi có con nhỏ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết nếu trong nhà có trẻ sơ sinh, từ 2 – 3 tuần đầu tiên tuyệt đối không cho trẻ ở gần vật nuôi một mình, cách tốt nhất nên dùng rọ mõm. Trẻ sau 6 tuổi mới nên tiếp xúc và tìm hiểu vật nuôi.
Rất nhiều trường hợp vật nuôi thấy chủ chăm sóc bé có thể ghen tức và tấn công trẻ bất cứ lúc nào, bác sĩ Khanh thông tin.
Để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên dạy trẻ cách vuốt ve chó mèo tại phần lưng, tuyệt đối không được đùa giỡn phần mặt, đầu và đuôi; nhắc nhở trẻ không được kéo đuôi, không được giấu đồ ăn loài chó yêu ích. Đồng thời không nên trêu chó khi chúng ăn hay ngủ. Cách tốt nhất, cha mẹ không để trẻ nhỏ chơi một mình với thú nuôi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng nhấn mạnh cha mẹ đừng quên chích ngừa bệnh dại cho cho chó và các vật nuôi khác trong nhà.
Hướng dẫn trẻ cách đối phó khi bị chó dữ tấn công
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết cha mẹ cần dạy trẻ cách đối phó khi chó lạ tiến đến gần hay sủa hướng về phía trẻ. Bài học đầu tiên là không nên sợ hãi. Càng biểu hiện sợ hãi, những con chó hung hăng sẽ càng tấn công dữ dội hơn. Nếu trẻ bình tĩnh, chúng sẽ e dè khi tấn công con mồi.
Trẻ càng không nên bỏ chạy, đạp xe hoặc ném đá khi chó lạ đến gần. Lúc này, này trẻ cần đứng yên, tránh nhìn vào mắt chó. Nhìn vào mắt chó dữ sẽ khiến chúng nhận ra nạn nhân đang sợ hãi. Tiếp đến, nếu cầm đồ vật trên tay, trẻ nên ném ra xa nhằm hướng sự chú ý của chó vào vật thể đó. Có thể dùng dày dép, khăn quàng để ném đi một cách nhanh chóng.
Thời điểm này, trẻ cần la lớn để nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh. Trường hợp xấu nhất, cha mẹ hãy dặn trẻ ôm chặt các bộ phận quan trọng như mặt, ngực và cổ họng. Các bộ phận này thường là nơi chó dữ nhắm đến theo bản năng.
Khi trẻ không may bị chó cắn, cha mẹ cần trấn an tâm lý trẻ. Sau đó, rửa vết thương cho trẻ dưới vòi nước chảy mạnh. Có thể dùng nước ấm rửa vết thương. Đồng thời, dùng xà bông, nước muối hoặc dung dịch sát trùng để sát trùng vết thương, tránh chà xát mạnh. Băng sơ vết thương sau đó đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra vết cắn.