Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế - cho rằng hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với TP.HCM tổ chức xét nghiệm kháng nguyên để tìm lời giải cho việc tại sao F1 âm tính mà F2 lại dương tính. Có hai giả thuyết được đưa ra, thứ nhất là F1 đã qua thời gian dương tính, đã tự khỏi bệnh. Thứ hai là F1 có thể chính là F0 lây dịch cho bệnh nhân 1979 sau đó lây cho các F2.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bên cạnh hai giả thuyết mà Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đưa ra, ông rất quan ngại về việc có khả năng F2 chính là F1 của ổ dịch khác tại TP.HCM mà ngành y tế chưa phát hiện ra. Ông Đam cho rằng ngành y tế nên xác định các giải thuyết đều có khả năng xảy ra như nhau, không thể bỏ sót trường hợp nào.
Theo Phó thủ tướng, trong thời gian ngắn ngành y tế không thể xét nghiệm cho cả 10 triệu dân để tìm ra nguyên nhân dịch bệnh lây lan nhưng phải có đánh giá tổng thể liệu có ổ dịch nào khác trên địa bàn TP hay không.
"Nguồn lây có thể từ sân bay nhưng không loại trừ khả năng nguồn dịch lây lan từ người nhập cảnh trái phép dù lực lượng của chúng ta đã rất nỗ lực ngăn chặn. Tôi rất lo ngại có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, mầm bệnh có thể đã có khá lâu tại TP rồi nhưng không bùng phát, vẫn len lỏi. Chỉ bằng biện pháp tầm soát, giám sát trọng điểm mới có thể phát hiện", ông Đam nói.
Ông Đam cho rằng rút kinh nghiệm từ các ổ dịch trước đây, ngành y tế phải tổ chức tầm soát ở những nơi có nguy cơ dịch cao để đánh giá được mức độ dịch trong cộng đồng.
Trước đó, TP đã triển khai các bộ quy tắc về an toàn phòng chống dịch tại trường học, bệnh viện, doanh nghiệp... Ông Đam cho rằng cần tích cực phát huy việc này. Bên cạnh đó, việc truy vết dịch tễ qua hệ thống camera rất hiệu quả nên các doanh nghiệp cần tăng cường hệ thống này.