Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa cho biết trong đợt khám điều tra dịch tễ bệnh phong mới đây tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, các bác sĩ đã phát hiện một ca bệnh phong mới.
Theo đó, bệnh nhân là một phụ nữ 39 tuổi, dân tộc Thái, ở xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, có tổn thương da nghi mắc bệnh phong thể u. Bệnh nhân có mất cảm giác tay, chân trong 6 tháng và chưa có tàn tật phong.
Ngay khi có chẩn đoán lâm sàng, đoàn công tác đã tiến hành lấy bệnh phẩm khẳng định chẩn đoán, đồng thời hướng dẫn các cán bộ y tế cơ sở lập hồ sơ bệnh án, giám sát điều trị và sớm có kế hoạch khám tiếp xúc gần liên quan bệnh nhân.
Qua 2 ngày, đoàn công tác đã khám, kê đơn thuốc miễn phí cho gần 800 bệnh nhân, mắc các loại bệnh, phổ biến là ghẻ với khoảng hơn 100 bệnh nhân. Còn lại một số mắc các bệnh lý sẩn ngứa, viêm da cơ địa, mày đay, nấm da...
Trước đó, cuối tháng 2 vừa qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 46 tuổi, ở Lạng Sơn, được chẩn đoán mắc bệnh phong thể u cục. Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất của bệnh phong.
Hai năm trước, nữ bệnh nhân này bỗng xuất hiện nhiều sẩn cục lan tỏa ở tay, chân và trên cơ thể. Các sẩn cục này không gây ngứa, không làm rối loạn cảm giác hay vận động. Thậm chí, các sẩn cục này còn dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh da khác như nhiễm lao hay mycobacterium không điển hình, u lympho ở da.
Theo PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, hiện nay tỉ lệ phát hiện người bệnh phong mới đã giảm qua các năm, tuy nhiên đây vẫn là căn bệnh truyền nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan. Trong năm 2022, cả nước phát hiện 50 trường hợp mắc mới căn bệnh này.
"Đáng lưu ý, người bệnh phong thường đi khám ở nhiều chuyên khoa, nhiều cơ sở điều trị khác nhau rồi mới đến chuyên khoa da liễu. Do đó đa số các trường hợp phát hiện bệnh muộn. Một số trường hợp khác được phát hiện ở nơi đô thị đông dân cư nên khó khăn trong việc tìm rõ nguồn lây, khoanh vùng tiếp xúc, điều trị…"- PGS Doanh nói.
Các bác sĩ cho biết bệnh phong tuy không nguy hiểm chết người, nhưng để lại di chứng tàn tật nặng nề, là cội nguồn của kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh. Đây là bệnh truyền nhiễm có thời gian ủ bệnh dài. Có thể 5 năm đến 10 năm sau khi tiếp xúc với nguồn lây, cơ thể mới có biểu hiện bệnh. Nguồn lây bệnh chủ yếu của bệnh phong là qua đường hô hấp và tiếp xúc qua da. Tuy nhiên, khả năng lây lan bệnh phong khó hơn so với các bệnh truyền nhiễm khác. Khi phát hiện được người bệnh phong thì ngay từ liều thuốc điều trị đầu tiên đã có thể cắt đứt nguồn lây bệnh.