Thực trạng thông tin bẩn về chữa trị bệnh trên mạng xã hội
Những năm gần đây, tại Việt Nam, mạng xã hội phát triển đã trở thành nơi gắn kết giữa con người với nhau, lên án và bài trừ những thói hư tật xấu trong xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là nơi chia sẻ vô tộ vạ các bài thuốc đông y, nam dược gắn mác "gia truyền" không được kiểm chứng.
Đó là các bài thuốc đông y mệnh danh là "thần dược", ai dùng cũng khỏi bệnh được chia sẻ và bán tràn lan trên mạng xã hội như: Thuốc trị hôi miệng, hôi nách, táo bón, viêm gan, viêm phổi, suy thận... cho đến bệnh ung thư.
Một nhóm người còn cho rằng chỉ cần theo phương pháp thực dưỡng - ăn gạo lứt muối mè, canh dưỡng sinh, nấm, dùng nước tương,... sẽ chữa được bệnh ung thư. Thậm chí họ còn tuyên truyền, chia sẻ thông tin kêu gọi mọi người anti vaccine (bài trừ vắc - xin) vì nó chỉ gây hại cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ và bà bầu.
Trên tờ Dân trí, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ thường xuyên gặp các ca ngộ độc do sử dụng thuốc chế biến từ dược liệu. Nhiều bệnh nhân không có bệnh liên quan đến gan nhưng khi xét nghiệm lại thấy men gan cao, nguyên nhân là sử dụng thuốc sắc vô tội vạ.
Người Việt thường có quan niệm "có bệnh thì vái tứ phương". Tuy nhiên, thay vì đi tư vấn hay bắt mạch, chẩn đoán kỹ lưỡng ở những cơ sở đông y truyền thống hay bác sĩ đông y có chuyên môn, nhiều người chỉ ngồi nhà và lướt mạng xã hội là ra bài thuốc "thần kỳ" mà không có bất kỳ sự kiểm chứng nào.
Mạng xã hội trở thành nơi lan truyền nhanh nhất các bài thuốc "vô thưởng vô phạt", dược liệu kém chất lượng, chứa chất độc hại, không rõ nguồn gốc,... và nhiều thông tin sai lệch, gây hoang mang và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.
Lương y Phùng Tuấn Giang, nhà thuốc đông y Thọ Xuân Đường chia sẻ trên tờ Dân trí: "Thực tế hiện nay các bài thuốc đông y trên mạng được lan truyền rất nhiều nhưng chỉ mang tính chất tham khảo. Việc chẩn đoán và chữa trị bệnh phải toàn diện, dựa trên nhiều cơ sở tuân theo hệ thống lý luận y học cổ truyền, từ đó mới đưa ra bài thuốc phù hợp.
Theo ông, người bào chế đông dược phải có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu. Do đó, việc sử dụng các bài thuốc trên mạng xã hội để tự chữa bệnh là không nên và không được khuyến khích.
Bác sĩ giỏi cần chia sẻ nhiều trên mạng xã hội để góp phần bác bỏ các thông tin bẩn
Ông Huynh Wynn Tran hiện làm chủ một phòng khám tư (Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center tại Los Angeles), bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Methodist Hospital, đồng thời giảng dạy Y khoa tại một trường đại học của Mỹ. Ông cũng là người sáng lập ra tổ chức Y tế phi lợi nhuận VietMD.
Trong một buổi livestream của bác sĩ vào đầu tháng 4/2019, một ý kiến cho rằng chỉ có bác sĩ rảnh mới hay chia sẻ trên mạng, bác sĩ giỏi thì không có nhiều thời gian để làm điều này.
Đáp lại ý kiến của vị khán giả, bác sĩ Huynh Wynn Tran chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng bác sĩ giỏi mới thường xuyên nói chuyện trên mạng. Đây là thời đại công nghệ thông tin, nhiều bệnh nhân của tôi dùng mạng xã hội, họ xem những chia sẻ, những buổi nói chuyện của tôi và thấy rất vui, thích thú. Cũng do tính chất của mạng xã hội, khi chia sẻ vấn đề gì nếu không có chuyên môn sâu và giỏi, chắc chắn các bác sĩ sẽ bị phản ánh và chỉ trích.
Thứ hai, công việc của ai cũng nhiều, thời gian của ai cũng quý giá. Một ngày tôi làm việc rất nhiều, khám chữa bệnh cho bệnh nhân, đi nói chuyện tại các chùa chiền, đài truyền hình,... nhưng tôi vẫn muốn dành thời gian cho các hoạt động có ích cho xã hội.
Mỗi tháng tôi dành 1 tiếng để đọc câu hỏi của quý vị và trả lời ngay tại chỗ là một trong những hoạt động tôi hướng đến cộng đồng. Tôi đã chia sẻ kiến thức về sức khỏe với cộng đồng từ lúc tổ chức Vietmd ra đời, đến nay đã được 10 năm.
Một lý do quan trọng hơn khiến tôi tự thúc đẩy mình phải chia sẻ thông tin sức khỏe nhiều hơn trên mạng xã hội là thực trạng thông tin bẩn về cách chữa trị bệnh.
Nhiều vị cho rằng ung thư có thể chữa bằng thực dưỡng, nước tương, nấm,... Nguy hại nhất là vụ anti vaccine, chữa ung thư bằng tâm linh tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh).
Những thông tin bẩn dễ dàng giết chết người kém hiểu biết, người dân lương thiện, chống lại các thành tựu y học mà đội ngũ giáo sư tiến sĩ từ ngày xưa đã dày công nghiên cứu cho đến bây giờ. Không chỉ riêng tôi, các bác sĩ giỏi khác cũng lên tiếng để cùng nhau chống lại thông tin xấu, bảo vệ sức khỏe người dân lương thiện.
Bạn nên dành thời gian để tìm hiểu về những vị bác sĩ y đức đã hết lòng chia sẻ thông tin hữu ích đến cộng đồng, cùng nhau chống lại thông tin bẩn và những phương pháp chữa trị bệnh lạc hậu, vô căn cứ. Việc chúng tôi dành thời gian để chia sẻ kiến thức sức khỏe đến cộng đồng không phải vô nghĩa".