Chỉ hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel và đóng góp rất nhiều nhà khoa học cũng như nhiều tiến bộ vượt bậc cho loài người, người Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới. Chắc hẳn bạn thắc mắc rằng: liệu họ sinh ra đã có tố chất thiên tài hay còn một bí ẩn khác trong cách nuôi dạy trẻ? Câu hỏi đó phần nào sẽ được trả lời ngay sau đây.
Thời kỳ mang thai – chế độ ăn và sinh hoạt tuyệt vời
Trong suốt thời gian mang thai, những người mẹ Do Thái đều rất chú trọng đến dinh dưỡng ở mỗi bữa ăn. Họ rất thích ăn hạnh nhân, chà là cùng sữa tươi. Bữa trưa sẽ có bánh mỳ và cá , salad trộn với hạnh nhân và những loại hạt khác. Có một điều đặc biệt là họ sẽ không ăn đầu cá vì họ tin rằng thịt cá tốt cho sự phát triển trí não nhưng đầu cá thì không.
Thêm vào đó, theo văn hóa của người Do Thái, người mẹ khi mang thai sẽ cần phải uống dầu gan cá. Salad và các loại hạt là điều bắt buộc, đặc biệt là hạnh nhân. Họ luôn ăn hoa quả tươi trước bữa chính. Lý do là vì họ tin rằng việc ăn bữa chính trước rồi hoa quả sẽ khiến chúng ta buồn ngủ và khó hấp thu những dưỡng chất có trong hoa quả.
Trong khi đó, chế độ sinh hoạt cũng rất được chú tâm. Người mẹ khi mang thai sẽ thường xuyên hát, chơi đàn, và luôn cố gắng giải toán cùng chồng. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi bắt gặp một mẹ bầu Do Thái luôn mang theo sách toán bên mình vì họ cho rằng làm thế sẽ giúp đào tạo đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ và như vậy con sẽ trở nên thông thái về sau. Và họ sẽ tiếp tục làm toán cho đến khi đứa trẻ được sinh ra.
Hơn thế nữa, ở những nơi có người Do Thái sinh sống như ở Israel, hút thuốc là điều cấm kỵ. Nếu bạn là khách thì không nên hút thuốc trong nhà họ, họ sẽ lịch sự mời bạn ra ngoài để hút thuốc. Vì họ nhận thức được rằng chất nicotine sẽ phá hủy những tế bào cơ bản trong cơ thể đồng thời ảnh hưởng đến gen và DNA (tế bào di truyền) dẫn đến sự thoái hóa của bộ não.
Những năm đầu đời – khuyến khích những câu hỏi
Có thể nói đây là một nền văn hóa ủng hộ và khuyến khích sự tò mò và những câu hỏi. Một mặt, bố mẹ luôn khuyến khích con đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh trong cuộc sống thường ngày, bất kì sự vật, hiện tượng nào mà trẻ tò mò để giúp con luôn sáng tạo, linh động... Mặt khác, người Do Thái còn có một đặc điểm nổi bật khi dạy con đó là luôn đặt thật nhiều câu hỏi dành cho con.
Khi một đứa trẻ có những thắc mắc nào đó, bố mẹ Do Thái sẽ không trả lời ngay cho trẻ vì có thể nghe xong bé sẽ quên ngay hoặc không ghi nhớ lâu được trong trí nhớ. Chính vì vậy, họ sẽ đặt câu hỏi ngược lại gợi ý cho trẻ giúp cho trẻ động não suy nghĩ để có thể ghi nhớ câu trả lời. Chẳng hạn như, khi con hỏi khẩu trang dùng làm gì? Mẹ sẽ không trả lời cho con ngay mà sẽ hỏi “Theo con thì khẩu trang được dùng để đeo ở đâu và tại sao người ta lại dùng khẩu trang ở chỗ đó?”. Bé sẽ hiểu khẩu trang đeo trên mặt và suy nghĩ khi đeo trên mặt, khẩu trang sẽ có thể che chắn, chắn bụi cho khuôn mặt, loại bỏ mùi hay khí hít phải và giúp giấu mặt, cải trang...
Dạy con làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ và để con tự lập
Người Do Thái coi làm việc nhà là dạy trẻ cơ hội sinh tồn cơ bản. Theo một nghiên cứu của Tạp chí giáo dục Gia đình tại Israel thì tỷ lệ thất nghiệp của người không biết làm việc nhà cao hơn 15 lần người biết làm việc nhà, thu nhập bình quân của họ cũng thấp hơn 20% so với người thạo việc gia đình. Họ dạy con làm việc nhà từ nhỏ, tùy theo lứa tuổi, và thông thường, trẻ 2 tuổi đã có thể tự phục vụ bản thân.
Người Do Thái có câu nói nổi tiếng là: “Bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con”, ý nói hãy chỉ hướng dẫn, tư vấn cho con, đừng quá bao bọc và làm thay con mọi việc. Tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) vì điều đó chẳng khác cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con và chỉ đầu độc con mà thôi.
Về câu nói này, quân sư nghĩa là người hướng dẫn, chỉ dạy cho con những điều bổ ích nhưng không làm thay cho con mọi việc mà để đứa trẻ tự làm những việc cần làm trong khả năng của con. Hàm ý của câu nói cũng chỉ rõ rằng bố mẹ luôn tư vấn, ở bên con dạy cho con điều hay lẽ phải và giúp cho trẻ hiểu được đâu là đúng, đâu là sai để trẻ có thể hiểu được cần làm như thế nào mới là tốt nhất. Điều này cũng rất tốt trong việc rèn luyện tính tự lập và quyết đoán của mỗi con người.
Rèn luyện cho con tư duy vượt khó ngay từ nhỏ
Lâu nay thông thường bố mẹ chỉ hay để ý đến chỉ số IQ của một đứa trẻ để xem con mình có thông minh hay không. Thế nhưng, trong thực tế, một đứa trẻ phát triển toàn diện một cách tốt nhất còn cần rất nhiều yếu tố khác, trong đó phải kể đến chỉ số AQ, tức chỉ số vượt khó, chiếm một phần rất quan trọng trong quá trình hướng đến thành công sau này. Ở các trường học Do Thái, đối với cả các ngôi trường dành cho quý tộc và con nhà giàu, học sinh luôn được rèn luyện phải biết cách vượt qua thử thách và khó khăn để có thể đạt được thành công.
Người Do Thái tự đưa ra công thức cho chỉ số vượt khó AQ của họ là: 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công. (IQ: chỉ số thông minh, EQ: chỉ số cảm xúc). Họ tin rằng điểm số tốt nghĩa là trường học tốt, trường học tốt sẽ có tấm bằng đẹp, tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt, nhưng công việc tốt khác với người có sự nghiệp thành công.
Vì thế, những đứa trẻ Do Thái ngay từ khi còn nhỏ đã được thấm nhuần tư tưởng không ngại khó khăn thử thách mà dám dũng cảm đương đầu với chúng để đạt được thành công. Bố mẹ sẽ tạo tiền đề cho con phát triển suốt cả đời để trở thành một con người bản lĩnh và mạnh mẽ chứ không phải là bao bọc con từ bé cho đến lớn.