Nuôi dạy con kiểu “trống đánh xuôi, kèm thổi ngược”
Bữa cơm nhà chị Thanh Trang (nhân viên công sở tại Hà Nội) căng thẳng như một cuộc “chiến trận”. Trong khi mẹ chồng chị muốn mớm cơm cho cháu kiểu “các cụ ngày xưa” thì chị bảo như vậy là “mất vệ sinh”. Rồi khi đứa trẻ khóc không chịu ăn, mẹ chồng chị Trang lại rong cháu đi khắp nơi, còn yêu cầu chị cầm bát cháo đi theo “hộ tống”.
Chị Trang phản đối cách cho trẻ ăn như vậy vì theo chị, việc “chạy theo trẻ” trong bữa ăn sẽ khiến trẻ sinh hư. Chị muốn mua ghế ăn rồi đặt con vào đó mỗi giờ ăn, trẻ không ăn thì không ép trẻ.
Việc giáo dục trẻ cũng là cả một vấn đề khiến chị “đau não”. Mẹ chồng chị ra sức chiều chuộng “thằng cháu đích tôn” trong khi chị lại muốn dùng kỷ luật để nuôi con ngoan.
Cứ thế hai phương pháp nuôi dạy con “va đập nhau chan chát” khiến mối quan hệ của mẹ chồng – nàng dâu không ít phen căng thẳng.
“Thật mệt mỏi, muốn nuôi con theo phương pháp hiện đại nhưng ở chung với bố mẹ chồng nên nhiều khi cảm thấy bất lực. Thiệt thòi nhất là đứa trẻ ở giữa không biết nên nghe ai”, chị Trang bộc bạch.
Có lần chị Trang đã khóa trái cửa phòng để phạt con, mặc cho mẹ chồng ở ngoài đập cửa uỳnh uỳnh vì xót cháu.
Một mình mẹ “chiến đấu” chống lại “cả thế giới”
Bữa cơm nhà chị Mai Hương (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) luôn vui vẻ, thoải mái vì chị chẳng phải xúc, dỗ dành hai đứa con nhỏ ăn uống. Đây là thành quả mà chị Hương đã áp dụng phương pháp nuôi dạy con kiểu Nhật ngay từ khi con chào đời.
“Ban đầu, khi áp dụng phương pháp này, tôi gặp phải khá nhiều ý kiến phản đối của gia đình. Nhưng sau thấy hai đứa trẻ biết tự cầm nắm, xúc ăn thành thạo, thậm chí hai bé còn biết giúp mẹ làm việc nhà, mọi người bắt đầu ủng hộ.
Cách chế biến theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật rất cầu kỳ, thế nhưng kỷ luật ăn uống là điều kiện đầu tiên để rèn luyện kỷ luật sinh hoạt, đây chính là điểm tôi tâm đắc và kiên trì thực hiện đến cùng”, chị Hương cho hay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong lần đầu tiên áp dụng một phương pháp nuôi con “nhập khẩu” từ nước ngoài.
Từ lúc mang thai, chị Vân Anh (Q. Gò Vấp, TP.HCM) đã nghiền ngẫm một loạt sách hướng dẫn nuôi dạy con như “Nuôi con không phải là cuộc chiến”, “Bác sĩ của con” – chỉ dẫn sức khỏe từ viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ…
Không muốn lặp lại cảnh bố mẹ thay phiên nhau ru con ngủ như nhiều gia đình hàng xóm, chị Vân Anh đã tìm hiểu phương pháp rèn luyện con tự ngủ của Mỹ và quyết tâm áp dụng ngay từ khi con mới chào đời.
Cách rèn con tự ngủ của chị là mua cũi cho con nằm riêng, đến giờ ngủ là tắt điện, cho con nằm cũi, không ôm ấp, cưng nựng con và chỉ khi con khóc toáng lên mới lại gần xem vì sao.
Thuộc nằm lòng từng chi tiết trong cuốn “Ăn dặm kiểu Nhật” và “Baby Led Weaning - Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy” (gọi tắt là BLW), khi con gái tròn 6 tháng tuổi, chị Vân Anh đã chi 1 triệu đồng mua bộ đồ sơ chế thức ăn và quyết định áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật.
“Đọc tài liệu hướng dẫn cách làm có vẻ rất đơn giản, nhưng mọi thứ không giống như tôi tưởng tượng. Với phương pháp rèn con tự ngủ, hai tuần đầu, có lúc tôi chỉ muốn bỏ cuộc, không biết phải làm sao để vượt qua tiếng khóc e e đòi bế của con. Cũng may mắn là hai tuần sau, con bắt đầu thích nghi, tự hiểu “e e chán chê cũng không có ai bế đâu” và tự ngủ thành công”, chị Vân Anh kể.
Còn với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, con chị không hề hợp tác. Chị chuẩn bị nhiều món rất cầu kỳ nhưng con ăn được hai miếng là bỏ. Dụng cụ sơ chế đắt tiền cũng đành bỏ xó, chị căng thẳng vô cùng vì không biết mình có đi đúng hướng không. Ông bà xót cháu, đòi chuyển qua ăn dặm theo kiểu truyền thống.
Chuyển sang ăn dặm theo phương pháp BLW, chị đã thảo luận rất kỹ với mẹ chồng và chồng. Chị Vân Anh mua rất nhiều sách hướng dẫn ăn dặm về để mẹ chồng đọc, kéo bà đi khám dinh dưỡng định kỳ cùng con để bà hiểu ăn dặm là ăn thêm, con tự lập thưởng thức đồ ăn khác ngoài sữa mẹ, luyện tập phản xạ nhai nuốt chứ không phải là “bữa ăn chính” và nhồi ăn như phương pháp truyền thống.
Kiên nhẫn từng ngày, tới khi được 10 tháng tuổi, con gái chị đã biết uống sữa bằng ống hút, 1 tuổi có thể gặm rau củ quả ngon lành và sinh hoạt có giờ giấc.
Bà mẹ một con đúc kết: “Có lúc mẹ phải “chiến đấu chống lại cả thế giới” chỉ vì lý do duy nhất không muốn con phải ăn theo kiểu ngày nào mẹ và bà rong khắp xóm, còn đứa trẻ thì khóc lóc với bát cháo nguội ngắt. Nhiều người nói tôi nuôi con mát tay, nhưng thực ra đây là cả một quá trình rèn luyện nghiêm túc của cả hai mẹ con”.
Mời bạn đọc Phụ nữ Sức khỏe đón đọc kỳ tiếp theo: Nuôi con theo phương pháp “nhập khẩu” từ nước ngoài: Nở rộ khóa học làm cha mẹ, giáo dục sớm cho trẻ