Theo thông tin từ VOV, ngày 7/7/2024, trường hợp M.T.B., 18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Liên quan đến ca bệnh M.T.B. đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, ông Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chiều 7/7 bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân B. (18 tuổi, trú Nghệ An) dương tính với bệnh bạch hầu.
"Rất may mắn khi tại thời điểm tiếp nhận bệnh nhân chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ đã điều trị dự phòng sớm theo phác đồ, sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Do chưa có tình trạng biến chứng nên bệnh nhân đã nhanh chóng được điều trị ổn định và được chuyển về địa phương tiếp tục cách ly, theo dõi", ông Cấp thông tin với VOV.
Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, bệnh bạch hầu có thể gây các biến chứng nặng như giả mạc phát triển nhanh, lan xuống đường hô hấp gây bít tắc đường hô hấp, khiến bệnh nhân không thở được hoặc gây sặc. Bệnh cũng có thể gây viêm cơ tim, gây suy tim cấp, rối loạn nhịp tim; hoặc tổn thương thận, suy thận cấp.
Theo ông Cấp, tất cả người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bao gồm: trẻ em chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine, hoặc người đã được tiêm vaccine nhưng vaccine không còn hiệu lực bảo vệ.
Do vậy, trẻ em nên được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ theo khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn đối với người đã được tiêm vaccine, sau thời gian khoảng 10 năm, khi hiệu lực bảo vệ của vaccine giảm thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh, do vậy cũng nên tiêm nhắc lại.