Nhớ lại mùa Noel năm 2018, bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương nhắc về tình huống hy hữu trong ca trực. Tối 23/12/2018, thai phụ T.T.X. (28 tuổi, nhà ở tỉnh An Giang) được chồng đưa đến Bệnh viện Hùng Vương do mệt mỏi, khó thở, bụng đau mỗi lúc một nhiều.
Trong lúc bác sĩ đang thăm khám, chị X. có biểu hiện tụt huyết áp, tay chân lạnh, lơ mơ buộc bác sĩ vừa hồi sức vừa phải mổ cấp cứu cho chị. Sau giờ phút căng thẳng, chị X. dần hồi tỉnh cùng đứa con gái nhỏ của mình.
Chị ngượng ngùng kể với nữ hộ sinh tại bệnh viện, do bác sĩ ở quê dự sinh cho chị vào giữa tháng 1 nên chị muốn lên Sài Gòn chơi, đón Giáng Sinh to to rồi… nằm ổ. Ban đầu người nhà không cho đi, nhưng chồng chị chiều vợ đưa chị đến nhà bà con trước một ngày.
Lúc đi xe, chị X. cảm thấy bụng dưới hơi căng, đau râm ran, chị gắng chịu vì nghĩ đi xe xa chỉ cần đến nhà người quen ngủ một giấc là khỏi. Tuy nhiên, cơn đau ngày một nhiều, kèm theo bị huyết áp trước đó khiến chị rơi vào tình huống nguy hiểm.
Tương tự như chị X., cận tết, chị N.T.N.H. (32 tuổi, mang thai gần 9 tháng, nhà ở Đồng Nai) quyết liệt đòi đến đường hoa Nguyễn Huệ xem pháo hoa đón tết Dương lịch, đi xe máy đường dài khiến chị cảm thấy đau lưng, căng hai vai, và phù chân. Lúc này chồng chị gợi ý không xem pháo hoa nữa và thuê khách sạn để chị nghỉ ngơi. Tiếc công ngồi xe, chị H. vẫn quyết định ra đường hoa.
Đến khoảng 23g, khi nơi này ngày một đông, chị H. cảm thấy khó thở, ù tai, chóng mặt nhờ chồng đưa về khách sạn rồi ngất đi. May mắn, những người xung quanh đã hỗ trợ, đưa chị tới Bệnh viện Từ Dũ kịp thời nên sau khi mổ, bác sĩ trao cho chị đứa con trai kháu khỉnh.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ – phụ nữ khi đang mang thai, dù tuổi thai ở giai đoạn nào ở những dịp lễ, tết nên tranh thủ ngày nghỉ để nghỉ ngơi, dưỡng thai.
Nhất là thời tiết đang nắng nóng như hiện nay, ngay cả khi sử dụng máy lạnh, thai phụ cũng nên chú ý, chuyển đổi hai môi trường nóng – lạnh cũng khiến người mang thai dễ bị mắc bệnh.
Tránh những nơi tập trung quá đông người, ngoài việc dễ bị lây nhiễm bệnh, tình trạng không đủ oxy cũng khiến các bà bầu mệt mỏi, khó thở. Nhiệt độ quá nóng dễ gây say nắng, chóng mặt và té ngã, hoặc các tai nạn khác. Ngoài ra, say nắng cũng có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lý như cao huyết áp, tiền sản giật, thiếu máu, tim mạch… cơ thể không thể chịu được việc di chuyển quá lâu, không khí bụi bặm, ngột ngạt, khó thở, ở các lễ hội đông đúc thường xảy ra tình trạng va chạm, chen lấn, xô đẩy khiến thai phụ dễ tăng nguy cơ dọa sảy và đẻ non.
Thai phụ muốn đi du lịch cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương tiện, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi... hợp lý
Với những chuyến du lịch dài ngày dịp lễ 30/4 - 1/5, các bà bầu cũng không tránh khỏi ăn uống bất tiện, không đủ chất hoặc dễ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy, táo bón do thức ăn bày bán các tụ điểm du lịch không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh.
Thai phụ vẫn có thể đi chơi, nhưng nên chọn những địa điểm phù hợp về ăn uống, nghỉ ngơi, thời tiết… trong trường hợp cần di chuyển bằng máy bay, bà bầu phải hỏi ý kiến, tư vấn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn. Nếu đi xe ô tô đường dài, cần chọn xe giường nằm, không sử dụng thuốc say tàu xe để tránh ảnh hưởng tới thai nhi.
Cần chuẩn bị riêng đồ vệ sinh cá nhân như nước sát khuẩn tay, khăn lau, khẩu trang, nước xúc miệng, nước muối sinh lý nhỏ mắt, thuốc dự phòng vitamin, khoáng chất, kem bôi chống muỗi, côn trùng, nón rộng vành, ô tránh nắng, phải luôn có chai nước bên cạnh, lựa chọn trang phục rộng rãi, thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt… khi lên kế hoạch đi chơi xa, cần lưu ý nơi lưu trú phải gần các bệnh viện có chuyên khoa để được cấp cứu kịp thời khi tình huống xấu xảy ra.