Nội dung bài viết
Nổi hạch ở cổ là hiện tượng xảy ra phổ biến ở nhiều người. Có những hạch ở cổ không đau, cũng có những hạch ở cổ gây ra các triệu chứng viêm, đau nhức, khó chịu. Một số loại hạch có thể tiêu biến sau một thời gian xuất hiện, nhưng có những trường hợp nổi hạch ở cổ không đau nhưng lại không có dấu hiệu biến mất. Vì vậy, bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để xác định rõ nguyên nhân và điều trị dứt điểm, tránh để lâu ngày vì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh ung thư nguy hiểm.
1. Tìm hiểu về hiện tượng nổi hạch
Trong cơ thể con người, bên cạnh hệ tuần hoàn động - tĩnh mạch còn có hệ tuần hoàn bạch huyết với các mạch bạch huyết và hạch bạch huyết. Các hạch bạch huyết còn gọi tắt là hạch, thường có hình bầu dục, kích thước từ 1-2cm. Hạch thường xuất hiện ở các vị trí trên cơ thể như cổ, nách, bẹn, khuỷu tay,... với các chức năng chính sau đây:
Trực tiếp giam giữ và tiêu diệt các virus, vi khuẩn, các tế bào lạ như tế bào ung thư xâm nhập vào cơ thể con người.
Gián tiếp tiêu diệt các virus, vi khuẩn, các tế bào lạ và tạo sự miễn dịch cho cơ thể thông qua việc sản sinh các kháng thể.
Bình thường hạch không sờ thấy được, nhưng khi hoạt động mạnh để chống chọi lại các vi khuẩn, virus,... hạch sẽ sưng to và nhìn thấy rõ. Hiện tượng nổi hạch chính là sự xuất hiện của các khối nhỏ, có chất dịch bên trong, cỡ hạt đậu. Khi dùng tay ấn vào hạch bị sưng, người bệnh sẽ cảm thấy đau.
2. Nổi hạch ở cổ bên phải không đau là dấu hiệu của bệnh gì?
Hiện tượng nổi hạch ở cổ bên phải thường do những nguyên nhân dưới đây:
Do sức đề kháng kém
Với những người thường xuyên mệt mỏi, stress, khả năng chống chọi lại bệnh tật suy yếu sẽ xuất hiện các khối hạch nhỏ trên cơ thể. Tình trạng nổi hạch ở cổ không đau, dễ di động và có mật độ chắc. Thông thường loại hạch này sẽ tự lặn khi sức khỏe trở nên tốt hơn và không cần phải điều trị.
Do bệnh viêm nhiễm ở vùng họng
Các căn bệnh viêm họng mãn tính hay cấp tính, viêm xoang, viêm loét amidan, viêm tấy nướu răng, viêm tuyến nước bọt,... sẽ gây ra hiện tượng nổi hạch ở cổ.
Nhiễm khuẩn răng khôn
Hạch bị viêm lan từ cổ bên phải do nhiễm khuẩn răng khôn hàm dưới hay viêm họng. Biểu hiện của tình trạng này là ở cổ xuất hiện các hạch nhỏ, di động. Bệnh nhân bị sốt cao, cơ thể mệt mỏi, cổ vẹo về bên bị bệnh, khó khăn trong việc cử động cổ, buốt, nói chuyện.
Do bệnh về máu
Những người mắc bệnh bạch cầu mạn thể lympho, bệnh bạch cầu cấp cũng xuất hiện tình trạng nổi hạch ở cổ.
Bệnh giang mai
Ở những người mắc bệnh giang mai giai đoạn đầu, hạch sẽ nổi to ở bẹn khoảng 4-5 hạch, dễ di động và không đau. Khi đến giai đoạn 3, hạch sẽ nổi ở nhiều bộ phận khác trên cơ thể, bao gồm cả vùng cổ.
Hạch lao
Bệnh nhân xuất hiện nhiều hạch dọc hai bên cơ ức đòn chũm, dưới xương hàm và vùng cổ với kích thước không đều nhau. Nổi hạch ở cổ không đau kèm các triệu chứng như sốt về chiều, sút cân, gầy yếu và các tổn thương ở phổi, màng phổi, màng bụng. Hạch lao thường rất lâu lặn, nếu trì hoãn không đi khám và điều trị có thể gây viêm nhiễm, chảy mủ.
Hạch Hodgkin
Loại hạch này thường xảy ra ở nam giới với vị trí hố thượng đòn trái rồi lan sang cổ. Nổi hạch ở cổ không đau, rắn, không dính vào da, không dính vào nhau và không hóa mủ. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng sốt, mỗi lần sốt hạch sẽ to thêm hoặc xuất hiện một hạch khác.
3. Nổi hạch ở cổ bên trái không đau là dấu hiệu của bệnh gì?
Hiện tượng nổi hạch ở cổ bên trái rất có thể là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh dưới đây:
Do cơ thể nhiễm siêu vi
Nguyên nhân nổi hạch ở cổ bên trái do nhiễm siêu vi thường xảy ra đối với trẻ em, nhất là những trẻ đang ở độ tuổi phát triển.
Mắc bệnh ở hệ bạch huyết
Hệ bạch huyết gồm có các mạch bạch huyết và nhiều hạch bạch huyết có chức năng diệt vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Khi hệ bạch huyết bị vỡ, các hạch bạch huyết sẽ sưng to và phình lên. Tình trạng sưng phù các hạch bạch huyết thường xảy ra ở vùng cổ trái hoặc phải. Đồng thời, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, ho dai dẳng, đổ mồ hôi vào ban đêm, giảm cân đột ngột,...
Bị bệnh nhiễm trùng
Các virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây sưng đau, nổi hạch ở cổ, tai bên trái. Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây ra hạch sau tai như viêm họng, thủy đậu, sởi, bệnh truyền nhiễm,... Bệnh nhân cần đến bác sĩ chẩn đoán và điều trị để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm xương, viêm vú,...
Bệnh u nang bã nhờn
Nổi hạch ở cổ, tai trái cũng có thể là do nguyên nhân mắc bệnh u nang bã nhờn. Các khối u này sẽ hình thành các tuyến bã nhờn do bị tổn thương hay quá trình sản xuất dầu bị ứ đọng. Một số tổn thương do trầy xước, mụn trứng cá cũng khiến tuyến bã nhờn yếu đi và tạo ra các u nang.
Mắc các bệnh ung thư
Với những người bị nổi hạch sau tai có thể mắc bệnh ung thư ở vùng đầu, cổ, trong đó phổ biến là bệnh ung thư tuyến giáp. Bệnh nhân nổi hạch ở cổ bên trái, di động khi sờ vào và to lên trông thấy theo thời gian. ấn vào có cảm giác đau và cứng. Về sau, hạch này sẽ dính vào da và không di chuyển. Cùng với đó là các triệu chứng khó nuốt, khó thở, đau đầu, sút cân.
4. Bị nổi hạch ở cổ không đau có nguy hiểm không?
Nổi hạch ở cổ không đau hoặc đau thường là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm nhiễm như viêm loét amidan, viêm mũi xoang, viêm tuyến nước bọt,... Tuy nhiên, đây cũng có thể là tình trạng do hạch di căn xuất phát từ bệnh ung thư ở vòm mũi họng, thanh quản, dạ dày,...
Nổi hạch ở cổ không phải lúc nào cũng gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người, mà chúng được chia thành hai loại: hạch lành tính và hạch ác tính.
Với hạch nổi ở cổ lành tính: Cục hạch phát triển chậm, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay thẩm mỹ của người bệnh. Cũng có trường hợp hạch nổi to, làm chèn ép dây thần kinh và mạch máu nên bạn cần đến bác sĩ khám và có thể tiến hành mổ lấy hạch.
Với hạch nổi ở cổ ác tính: Cục hành phát triển lâu ngày, kích thước to dần, sờ có cảm giác cứng và đau. Bên cạnh đó, người bệnh có các biểu hiện như sụt cân nhanh, cơ thể mệt mỏi, sắc tố da thay đổi,...
5. Các phương pháp điều trị khi nổi hạch ở cổ
Khi phát hiện nổi hạch ở cổ không đau hoặc đau, bạn cần phải tìm đến bác sĩ thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân để tìm phương pháp điều trị thích hợp. Các bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp y học hiện đại như siêu âm, sinh thiết hạch để chẩn đoán bệnh. Từ đó đánh giá tình trạng hạch và loại bệnh để điều trị tận gốc.
Với những trường hợp bị nổi hạch ác tính, bệnh nhân cần điều trị kịp thời để không làm ảnh hưởng đến tính mạng.
Còn trường hợp bị nổi hạch do ung thư, hạch đã bị mất chức năng bảo vệ và tiêu diệt vi khuẩn, virus nên cách điều trị tốt nhất là xạ trị hoặc nạo vét để loại bỏ toàn bộ hạch mang tế bào ung thư.