Người nhà cho biết ngày 14/12 bé bất cẩn ngã úp người vào nồi nước đang luộc măng. Bé được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu. Bác sĩ nhận định bé bị bỏng độ 3-4, khoảng 35% diện tích cơ thể, trong đó nặng nhất là khu vực sinh dục, vùng bụng và đùi.
Bé được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) vào chiều cùng ngày.
Bệnh nhi được bác sĩ xử lý vết thương, cắt lọc phần da hoại tử, phẫu thuật cắt lọc mô chết, truyền nước. Các bác sĩ cho biết bé bỏng rất nặng cần nằm viện điều trị lâu dài. Sau khi bình phục, có khả năng bệnh nhi cần phải tập vật lý trị liệu để hồi phục một số chức năng vì di chứng để lại.
Các bác sĩ cho biết, trẻ em vốn hiếu động, người lớn nghĩ là trẻ đang ngồi chơi trong tầm kiểm soát của mình, nhưng chỉ một giây thôi cũng đủ để tai nạn ập đến. Đặc biệt, giai đoạn trẻ 2-6 tuổi chưa nhận thức được nguy hiểm nên hành động của bé rất nhanh và không có biểu hiện báo trước để người lớn cảnh giác.
Xử trí khi trẻ bị bỏng:
Người lớn cần đưa trẻ ra khỏi vùng bị tai nạn càng nhanh càng tốt. Nên để vết thương dưới vòi nước sạch ít nhất 10 phút để hạ nhiệt độ.
Dù bỏng như thế nào cũng không được tự ý bôi các loại thuốc dân gian, nước mắm, lá cây, tro... vào vết bỏng vì có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để xử lý kịp thời.