Nguyên tắc dinh dưỡng
Người bệnh sốt xuất huyết thường sẽ sốt cao, đau nhức toàn thân, cơ thể mệt mỏi... Cho nên, chế độ dinh dưỡng phù hợp là yếu tố hàng đầu cho người bệnh. Bệnh nhân cần ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp, bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây tươi để tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể nhanh hồi phục.
Thực phẩm tốt cho người bệnh sốt xuất huyết
Bổ sung nhiều nước
Triệu chứng điển hình của người bệnh là sốt cao kèm mất nước, nên việc bù nước là quan trọng nhất. Do đó, nên cho người bệnh uống thêm các loại nước ép, nước trái cây như nước cam, nước ép bưởi, nước dừa, vì chúng chứa nhiều vitamin C và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch máu khỏe hơn.
Cháo, súp
Người mắc bệnh thường có cảm giác chán ăn, miệng đắng, gây khó chịu nên lời khuyên tốt nhất dành cho người mắc sốt xuất huyết đó là nên ăn các loại cháo hoặc súp để dễ hấp thu và giúp bệnh nhân bổ sung thêm nhiều năng lượng. Có thể kết hợp cháo, súp cùng bí ngô để cung cấp vitamin A cho người bệnh hoặc một số loại thịt, cá bổ sung nhiều chất đạm giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Đối với trẻ em trong giai đoạn bú mẹ, hãy cho bé bú nhiều hơn ngày thường để tăng cường sức đề kháng tự nhiên. Lưu ý, chia thành nhiều bữa nhỏ cho bé, uống thêm nước, không nên cho bé ăn dồn dập.
Sữa, sữa chua
Sữa cung cấp chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể. Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tăng sức đề kháng. Do đó, sữa và sữa chua có lợi cho quá trình tiêu hóa của người bệnh, giúp hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh chống lại virus và các nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.
Thực phẩm giàu sắt, vitamin C, K
Ở người bệnh sốt xuất huyết, số lượng tiểu cầu suy giảm, do đó, bổ sung thực phẩm giàu sắt như các loại đậu, thịt, rau có màu xanh…Việc này sẽ giúp tăng tiểu cầu, hỗ trợ cho quá trình hồi bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm khi tiểu cầu suy giảm.
Bên cạnh đó, bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, K cũng rất quan trọng. Các loại thực phẩm giàu vitamin C như ổi, cam, bưởi có khả năng chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ rất tốt cho việc phục hồi cơ thể sau bệnh (ăn hoặc xay sinh tố, nước ép để dễ tiêu thụ).
Trong đó, vitamin K còn được biết đến là vitamin đông máu vì khả năng kích thích protein hình thành các cục máu đông. Vì vậy, hãy ăn cán loại thực phẩm giàu vitamin K như bông cải xanh, rau mầm và các loại rau xanh để hỗ trợ quá trình đông máu, tăng lượng tiểu cầu sụt giảm trong thời gian mắc sốt xuất huyết.
Người bệnh xuất sốt huyết nên kiêng gì?
Đồ chiên rán nhiều dầu mỡ
Người bệnh sốt xuất huyết ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ sẽ gây tác động xấu đến cơ thể, khiến quá trình hồi phục bị ảnh hưởng, làm suy yếu miễn dịch. Ngoài ra, thức ăn nhiều dầu mỡ còn khiến người bệnh cảm thấy khó tiêu, dẫn đến tiêu hóa gặp vấn đề.
Đồ ăn cay, nóng
Sức đề kháng của người bệnh bị giảm và năng lượng bị hao hụt nên khi ăn những đồ cay, nóng sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Đồ ăn cay, nóng còn có thể tích tụ nhiều axit ở dạ dày gây loét thành mạch máu. Những tổn thương ở dạ dày có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe của người bệnh.
Đồ uống ngọt
Người bệnh sốt xuất huyết không nên uống các loại đồ ngọt như soda, không dùng mật ong và các loại đường tự nhiên khác để tránh các bệnh nhân lâu hồi phục do tiêu thụ đường sẽ khiến các tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm hơn.
Chú ý, người bệnh không nên sử dụng các đồ uống có cồn, cà phê và ngừng hút thuốc để tránh cơ thể bị mất nước, phá vỡ cơ bắp, khiến cơ thể mệt mỏi.
Trứng
Trứng tuy là nguồn cung cấp protein dồi dào, nhưng với người bệnh sốt xuất huyết khi ăn trứng sẽ khiến nhiệt lượng trong cơ thể tăng lên, không thể phát tán ra ngoài. Do đó, có thể khiến người bệnh sốt cao, lâu hồi phục.
Thực phẩm có màu sẫm
Người bệnh nên kiêng có thực phậm có màu đỏ, nâu, đen vì người bệnh sốt xuất huyết dễ bị chảy máu cam. Việc này giúp bác sĩ không bị nhầm lẫn và chẩn đoán đúng bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày khi bị nôn mửa.
Một số lưu ý quan trọng
Thứ nhất, người bệnh sốt xuất huyết tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tự ý dùng thuốc hạ sốt có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Ví dụ, aspirin và ibuprofen, nếu người bệnh dùng 2 loại thuốc này có thể làm nguy cơ chảy máu, một triệu chứng của sốt xuất huyết nặng và có thể gây tử vong.
Aspirin: Là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu và chống đông máu, có thể khiến người bệnh chảy máu do sốt xuất huyết trầm trọng hơn.
Ibuprofen: Là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Dù ức chế kết tập tiểu cầu không mạnh như aspirin, nhưng vẫn có thể làm ảnh hưởng đến quá trình chảy máu của bệnh sốt xuất huyết.
Thứ hai, hạn chế để muỗi tiếp xúc với da. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chúng khác nhau là: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh sốt xuất huyết do chủng virus nào thì chỉ có khả năng miễn dịch với chủng virus đó. Cho nên, sau khi khỏi bệnh hoặc người bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm nếu mắc chủng virus khác. Hãy vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, vệ sinh nguồn nước, tránh nước đọng xung quanh nhà tạo điều kiện cho muỗi sinh sản…
Hiện nay, chưa có có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết, chúng ta cần nâng cao ý thức phòng bệnh của bản thân và có chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý khi không may bị mắc bệnh.