Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Các chức năng chính của nó là tiêu hóa, lưu trữ chất dinh dưỡng và giúp loại bỏ các chất có hại khỏi máu. Vì vậy những gì bạn ăn có tác động trực tiếp đến sức khỏe của gan và có thể gây bệnh cho gan.
Chế độ ăn uống không lành mạnh gây bệnh cho gan
Gan là cơ quan đặc biệt quan trọng vì nó giúp làm sạch hoàn toàn máu của bạn khỏi các chất độc. Gan tổng hợp protein, chất béo và carbohydrate trong cơ thể và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Nó chịu trách nhiệm chuyển đổi thức ăn thành năng lượng đáp ứng nhu cầu hoạt động của cơ thể.
Một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của gan, gây gan nhiễm mỡ, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Men gan tăng cao có thể là dấu hiệu của bệnh gan, về lâu dài có thể gây nguy hại cho cơ thể. Ngoài việc dùng thuốc, người bị tăng men gan cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống.
Theo BSCKI Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện 19-8, có nhiều nguyên nhân dẫn tới men gan tăng cao bao gồm nhiễm virus viêm gan A, B, C, D và E, thường gặp nhất là viêm gan B và C; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, lạm dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm…; mắc một số bệnh lý như gan nhiễm mỡ, bệnh đường mật, tim mạch, xơ gan…
Men gan tăng còn có nguyên nhân do chế độ ăn uống. Khi ăn các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, có nấm mốc, chứa chất bảo quản, dư thừa lượng thuốc bảo vệ, chứa độc tố…, gan phải hoạt động nhiều hơn để xử lý và loại bỏ, từ đó làm chết các tế bào gan, gây tăng men gan, viêm gan và ung thư gan.
Việc sử dụng quá nhiều rượu bia có thể dẫn tới tình trạng men gan cao và làm suy giảm chức năng gan.
Những thực phẩm nào có thể gây hại cho gan?
Thực phẩm giàu chất béo
Thực phẩm giàu chất béo góp phần làm tăng cholesterol, chất béo trung tính cao và béo phì khi tiêu thụ quá nhiều. Đó là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan, đặc biệt là gan nhiễm mỡ
Những thực phẩm giàu chất béo phổ biến nhất bao gồm: Mỡ lợn, bơ, chất béo từ thịt, kem, pho mát, da gà, thực phẩm chiên ngập dầu, sốt salad kem, đồ nướng, món tráng miệng, bánh ngọt, sốt mayonnaise…
Để hạn chế những chất béo không lành mạnh này, ngoài việc ăn ngũ cốc, rau và trái cây, mọi người có thể giảm chất béo bằng cách sử dụng các phương pháp nấu ăn như luộc, hấp thay vì nướng, quay hoặc chiên xào.
Thực phẩm chứa nhiều cholesterol
Cholesterol là một loại chất béo chỉ có trong các sản phẩm từ động vật. Nó có hàm lượng cao nhất trong: thịt đỏ béo, tôm, lòng đỏ trứng, kem, bơ và nội tạng động vật.
Cholesterol cao là một yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gan. Để giảm nguy cơ này, bạn nên hạn chế các sản phẩm từ động vật và ăn nhiều thực phẩm từ thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả để giảm mức cholesterol. Chọn thực phẩm ít cholesterol hơn bao gồm: Sữa tách kem, lòng trắng trứng, cá, ức gà không da, thịt thăn lợn nạc…
Thực phẩm có nhiều đường
Các sản phẩm có đường như nước ngọt, soda, bánh, kẹo, bánh ngọt và các món tráng miệng thường chứa nhiều calo. Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều calo sẽ dẫn đến béo phì và là một yếu tố nguy cơ gây bệnh gan.
Thực phẩm chứa nhiều đường có thể làm tăng chất béo trung tính và thúc đẩy bệnh gan nhiễm mỡ. Vì vậy, chúng ta nên hạn chế đường, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung như: nước ngọt có gas, nước ép trái cây công nghiệp, các sản phẩm bánh, mứt, kẹo…
Đồ uống có cồn
Uống nhiều đồ uống có cồn có thể dẫn đến rối loạn chức năng gan. Nếu nồng độ cồn nạp vào cơ thể quá cao thì đòi hỏi gan phải mất nhiều thời gian để xử lý. Nếu gan hoạt động quá tải, cồn tích tụ sẽ thành chất rất độc khiến gan ngày càng bị suy yếu, làm tăng men gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, ung thư gan.
Nguy cơ này còn trầm trọng hơn ở những người nghiện rượu nặng. Nếu đã bị bệnh về gan, cần tránh tất cả các loại đồ uống có cồn để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Thức ăn nhanh
Ăn thức ăn nhanh có thể làm tăng lượng calo, cholesterol, đường, muối, tổng chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa… dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim và đột quỵ.
Nghiên cứu mới đây cho thấy, lạm dụng thức ăn nhanh còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người mắc bệnh béo phì hoặc đái tháo đường hấp thụ 1/5 hoặc hơn lượng calo hàng ngày của họ từ thức ăn nhanh có lượng chất béo trong gan tăng cao nghiêm trọng so với những người ăn ít hoặc không ăn thức ăn nhanh.
Việc tiêu thụ một lượng lớn chất béo bão hòa và chất làm ngọt đã qua chế biến từ thức ăn nhanh khiến cơ thể tích tụ chất béo trong gan. Sự tích tụ này càng trầm trọng hơn ở những người bị kháng insulin. Đó có thể là nguyên nhân những người mắc bệnh đái tháo đường và béo phì đặc biệt dễ bị tổn thương gan, đặc biệt là gan nhiễm mỡ.