Mang thai 9 tháng 10 ngày là hành trình trải nghiệm đầy hạnh phúc của các chị em. Trong giai đoạn này, mọi hoạt động và chế độ ăn uống đều được chị em thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh việc chú ý bổ sung các thực phẩm tốt cho thai nhi, mẹ bầu cũng đừng quên tránh xa những món ăn dễ gây sảy thai để không ảnh hưởng đến bé.
Những món ăn dễ gây sảy thai
Rau ngót
Chất papaverin trong rau ngót tương tự như thành phần trong cây thuốc phiện. Hoạt chất này đi vào cơ thể sẽ làm giãn cơ trơn của mạch máu, giảm đau, hạ huyết áp. Nếu mẹ bầu sử dụng hơn 30mg rau ngót tươi sẽ gây nên hiện tượng co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai.
Rau chùm ngây
Rau chùm ngây mọc nhiều ở các tỉnh miền Trung nước ta. Loại cây này được mệnh danh là cây thần diệu hay cây vạn năng. Chùm ngây chứa nhiều chất đạm, các vitamin và acid amin giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.
Tuy nhiên, chất alpha–sitosterol trong chùm ngây có cấu trúc tương tự hormone estrogen trong cơ thể phụ nữ có tác dụng ngừa thai, làm co cơ trơn tử cung dẫn đến hiện tượng sảy thai. Vì vậy, phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên ăn loại rau này.
Rau răm
Đây là loại rau gia vị phổ biến trong các mâm cơm của người Việt. Rau răm vị ấm giúp tiêu thực, tán hàn. Đối với phụ nữ mang thai, nên kiêng ăn rau răm trong 3 tháng đầu để tránh hiện tượng mất máu, co thắt tử cung dễ làm sảy thai.
Rau sam
Theo Đông y, rau sam thuộc tính hàn, vị chua, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ giun, tốt cho tiêu hóa. Rau sam dễ trồng, dễ tìm và là loại rau quen thuộc của nhiều gia đình.
Đối với phụ nữ có thai, các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế sử dụng rau sam. Nguyên nhân chính là do khả năng kích thích mạnh đến vùng tử cung và tăng tần suất co bóp gây sảy thai của loại rau này.
Lá ngải cứu
Đây là loại rau gia vị và là cây thuốc nam sử dụng trong các bài thuốc an thai dành cho những phụ nữ bị động thai hoặc sảy thai liên tiếp. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu lạm dụng ngải cứu khi mang thai 3 tháng đầu dễ xuất hiện hiện tượng ra máu, co tử cung và sảy thai.
Mướp đắng
Vị đắng của loại thực phẩm này khi vào cơ thể mẹ bầu có thể gây kích thích mạnh dẫn đến co bóp tử cung và dạ dày. Hậu quả là hiện tượng sảy thai ở những phụ nữ có tử cung ngả sau, tử cung có sẹo hoặc từng nạo phá thai nhiều lần. Do đó, các nhà khoa học khuyên phụ nữ có thai nên hạn chế ăn mướp đắng.
Đu đủ xanh
Nhiều mẹ bầu thường nấu đu đủ xanh với xương để nước dùng có vị ngọt mát. Tuy nhiên, chất papain trong đu đủ có thể khiến phôi thai bị phá hủy. Hai chất prostaglandin và oxytocin trong loại quả này kích thích khả năng co bóp của tử cung gây sảy thai.
Ngược lại, đu đủ chín rất tốt cho sức khỏe thai phụ. Khi chín, các chất papain, prostaglandin và oxytocin trong đu đủ xanh sẽ biến mất. Thay vào đó là các vitamin A, C, B1, B2 giúp mẹ bầu giảm tình trạng táo bón, ợ nóng và tăng sức đề kháng cho cả mẹ và thai nhi.
Dứa
Đối với các mẹ bầu, đặc biệt là mẹ bầu trong 3 tháng đầu khi ăn dứa (trái thơm) sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Chất bromelain trong dứa, đặc biệt là dứa xanh có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích co bóp tử cung gây nguy cơ gây sảy thai ở bà bầu.
Tuy nhiên, nếu quá thèm ăn loại quả này, mẹ bầu từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi có thể nấu chín dứa rồi sử dụng. Dứa khi nấu chín sẽ mất hoàn toàn chất bromelain.
Vì vậy, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần kiêng dứa tuyệt đối, những tháng tiếp theo chỉ nên ăn một lượng vừa phải.