Sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong ở thai phụ
Hậu quả của sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây sẩy thai, sinh non, thai nhẹ cân, tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai. Thai phụ có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hoá do tình trạng giảm tiểu cầu.
Nặng hơn, thai phụ có thể bị tăng men gan, tràn dịch ổ bụng hay màng phổi, màng tim hoặc sốc giảm thể tích máu, dễ dẫn đến nhau bong non, thai chết lưu trong tử cung hay thậm chí mẹ tử vong.
Dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết rất khó nhận biết
Phụ nữ mang thai nếu bị sốt xuất huyết thường có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ngoài các triệu trứng trên, người bệnh còn đau họng, viêm long, xuất tiết, đau mỏi cơ xương khớp gần giống như một số bệnh khác. Những dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh cảm cúm thông thường vì vậy các bà mẹ nên thận trọng.
Mẹ nên làm gì khi phát hiện mắc bệnh sốt xuất huyết
Việc các mẹ cần làm là ngay lập tức đến gặp các bác sĩ để khám bệnh, nhận lời khuyên và xem mức độ bệnh tình của mình đang ở giai đoạn nào để có cách điều trị hiệu quả nhất. Tiếp theo, khi mắc sốt xuất huyết các bà bầu không được tự ý mua thuốc, uống thuốc hoặc đi tiêm. Vì như vậy chỉ khiến cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn thôi, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng thai nhi.
Luôn chủ động " phòng bệnh hơn chữa bệnh"
Chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như phát quang bụi rậm, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, thoáng. Không để ao tù, nước đọng trong chum, thùng,…
- Tránh muỗi đốt bằng cách nằm ngủ hay sinh hoạt trong mùng, màn ở những vùng có mật độ muỗi cao.
- Tránh du lịch hay di chuyển đến vùng đang có dịch sốt xuất huyết.
- Nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả có nhiều vitamin C, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân.
- Đặc biệt, bà bầu nên đi khám ngay khi có các triệu trứng nghi ngờ mắc bệnh.