Tập thói quen ngồi vào bạn học 30 phút
Trước khi con vào lớp 1, cha mẹ nên giúp con hình thành thói quen ngồi vào bàn học sau khi ăn tối, biết sắp xếp ngăn bàn và đồ dùng học tập, đi ngủ đúng giờ để hôm sau dậy sớm đi học vì trường tiểu học vào lớp sớm hơn mầm non.
Phụ huynh cũng cần chuẩn bị tâm lý cho mình để giải quyết những vấn đề của các cháu khiến mình dễ cáu như: buổi tối ngồi học thì vừa học vừa chơi, đang học lại đi vệ sinh, uống nước liên tục... "Bố mẹ nên trao đổi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm và phải sát sao với việc học tập của con, đừng cho rằng đó là trách nhiệm riêng của nhà trường và giáo viên".
Tạo cho trẻ thói quen tự lập
Phụ huynh cũng cần tạo cho trẻ thói quen tự lập bằng cách khuyến khích trẻ thực hiện trọn vẹn vài việc nhà đơn giản, tự tạo thời gian biểu học tập, vui chơi và nghiêm túc thực hiện thời gian biểu ấy.
Có thể dẫn trẻ đến thăm trường tiểu học và chỉ cho trẻ biết các phòng, lớp học, sân chơi; nói cho trẻ những điều mới lạ sẽ được học ở đó để trẻ có mong muốn được đi học…
Dạy trẻ khả năng tập trung
Chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang học tập để có thể ngồi tập trung trong suốt cả thời gian một tiết học thật khó khăn đối với trẻ. Chơi bao giờ cũng dễ hơn học, cho nên các thầy cô luôn tổ chức rất nhiều trò chơi trong tiết học: Chơi với các trò chơi trên máy tính, các trò chơi với chữ cái, con số để các con có thể tập trung một cách dễ dàng hơn.
Chuẩn bị tâm lý cho con
Trong buổi đầu con đến với môi trường mới, mẹ (hoặc bố) cần lắng nghe con, giúp con làm quen bằng cách cùng đi học với con. Thực tế, có những ông bố bà mẹ không chuẩn bị tâm lý cho con đã khiến con sợ hãi khóc thét khi đến trường.
Việc phụ huynh đẩy bé vào cổng, mặc kệ bé khóc hay hứa lèo với con là ba mẹ đi một chút sẽ trở lại đón con... sẽ khiến bé có cảm giác sợ bị bỏ rơi, sợ không được thương yêu...
Khi học mẫu giáo bé được tự do hơn, nên lúc vào trường mới bé phải đối mặt với thầy cô, bạn bè mới cũng như quy tắc mới, bé sẽ có nhiều sợ hãi. Hơn nữa giai đoạn này, bé tiếp tục có những thay đổi về thể chất như rụng răng sữa, mọc răng hàm, nên dễ mắc bệnh.
Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh, những thắc mắc về mọi hiện tượng của bé nhiều hơn. Vì thế phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe để thấu hiểu con, đừng bao giờ dọa "con mà không đi học thì mẹ không thương, mẹ đánh đòn hoặc mẹ cho ra ngoài đường", bởi những đe dọa ấy ít nhiều đều làm tổn thương tâm hồn non nớt của con.
Các chuyên gia đều khuyên, thay vì lo cho con học chữ trước, cha mẹ hãy chú ý rèn luyện thể chất và tâm lý cho bé. Cho bé làm quen với trường mới, với sách vở, rèn luyện tính tập trung của con, tạo hứng thú cho con khi ngồi vào bàn học với lời khen, hay phần thưởng nào đó... để bé tự tin vào lớp 1.
Danh sách 10 kỹ năng trẻ cần có trước khi vào tiểu học của Ofsted
1. Có khả năng ngồi yên và lắng nghe.
2. Biết tôn trọng những đứa trẻ khác.
3. Hiểu được từ “Không” và giới hạn của các hành vi.
4. Hiểu được từ “Dừng lại” và những câu tương tự dùng để nói, khi muốn ngăn chặn một điều gì đó nguy hiểm.
5. Biết đi bộ và có thể biết sử dụng bồn cầu.
6. Nhận ra tên của chính mình.
7. Biết nói với người lớn để đề nghị sự giúp đỡ.
8. Biết cách cởi áo khoác và biết tự đi giày.
9. Biết nói một câu đầy đủ, không chỉ là một từ.
10. Biết mở và thưởng thức một cuốn sách.