Làm thế nào để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa sẹo
Tạo vết mổ trên da thường đòi hỏi phải cắt xuyên qua tất cả các lớp da nên có thể dẫn đến sẹo, bất kể lý do phẫu thuật, vùng cơ thể hay kỹ năng của bác sĩ.
Tất nhiên, một bác sĩ phẫu thuật kém tay nghề có thể khiến vết sẹo to hơn. Nhưng bác sĩ không thể kiểm soát tất cả các yếu tố quyết định mức độ để lại sẹo. Dù chăm sóc vết mổ tốt là ưu tiên quan trọng nhất, bạn nên thực hiện một số lời khuyên sau để ngăn ngừa sẹo.
Các yếu tố rủi ro gây sẹo bạn không thể thay đổi
- Tuổi tác: Khi chúng ta già đi, làn da trở nên kém đàn hồi, mỏng hơn do thiếu collagen và lớp mỡ dưới da. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hút thuốc và các vấn đề về lối sống khác khiến da không chữa lành tốt như thời trẻ.
- Chủng tộc: Một số chủng tộc có nhiều khả năng để lại sẹo hơn những chủng tộc khác. Chẳng hạn người Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng hình thành sẹo phì đại và sẹo lồi, là sự phát triển quá mức của mô sẹo tại vị trí chấn thương.
- Di truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em của bạn có xu hướng dễ hình thành sẹo, bạn cũng có khả năng cao phát triển sẹo sau mổ.
- Kích thước và độ sâu của vết mổ: Một vết mổ lớn có nhiều khả năng để lại sẹo hơn vết rạch nhỏ. Vết rạch càng sâu và càng dài, quá trình lành vết thương sẽ càng lâu và cơ hội để lại sẹo càng lớn. Ngoài ra, vết mổ lớn dễ "hở miệng" khi bạn di chuyển, khiến vết thương chậm lành hơn.
- Khả năng phục hồi: Bạn có thể sở hữu gen di truyền với khả năng chữa lành một cách kỳ diệu, nhanh chóng, dễ dàng với vết sẹo tối thiểu. Ngược lại, làn da có thể lành chậm vì bạn mang tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường.
Cách phòng ngừa, chăm sóc sẹo sau mổ
Một số cách ngăn ngừa sẹo, tập trung vào những yếu tố bạn có thể kiểm soát rất đơn giản, chẳng hạn như làm theo hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật hay hạn chế thuốc lá, rượu bia.
- Hút thuốc: Thuốc lá làm tăng nguy cơ bị sẹo và làm chậm quá trình lành vết thương. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ đáng kể đến mức nhiều bác sĩ sẽ từ chối phẫu thuật. Đặc biệt nếu bệnh nhân không bỏ hút thuốc hoàn toàn trong ít nhất 2 tuần trước ca mổ.
- Uống rượu: Rượu làm mất nước cho cả cơ thể và da, làm giảm tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn. Trong khi vết thương đang lành, hãy tránh uống rượu và tập trung vào đồ uống không chứa caffein.
- Dinh dưỡng: Bệnh nhân cần chế độ ăn uống cân bằng, chú trọng vào đạm (thịt gà, thịt heo, cá, hải sản, thịt bò, các sản phẩm từ sữa) để cho phép làn da của bạn được chữa lành. Nếu bạn không thích ăn thịt có thể thay thế các sản phẩm từ đậu nành.
Ở nhiều nước phương Đông, người dân tin rằng ăn nhiều hải sản hay thịt bò làm tăng nguy cơ để lại sẹo. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác mối liên hệ này. Lý do có thể vì một số người đặc biệt mẫn cảm với hải sản, làm tăng nguy cơ viêm, hoặc cơ thể dễ hình thành sẹo do gen di truyền.
- Hydrat hóa: Mất nước xảy ra khi bạn không uống đủ chất lỏng. Trong trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể gây mất cân bằng điện giải và các vấn đề về tim. Trong trường hợp ít nghiêm trọng hơn, bạn sẽ cảm thấy khát nước và sức khỏe giảm sút.
- Cân nặng: Nếu thừa cân, bạn có nguy cơ bị sẹo cao hơn. Vì lớp mỡ dưới da của bạn có thể chống lại những nỗ lực của bác sĩ trong việc đóng vết mổ một cách liền mạch.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng: Chăm sóc vết mổ tốt, bao gồm ngăn ngừa nhiễm trùng, là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa sẹo sau mổ.
- Giảm áp lực lên vết mổ: Tránh nâng, khom người hoặc làm bất cứ điều gì ảnh hưởng vết mổ. Áp lực có thể kéo vết mổ mở ra và trì hoãn quá trình lành vết thương, thậm chí làm cho vết thương lớn hơn mức cần thiết, làm tăng kích thước vết sẹo.
- Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Tránh để mặt trời chiếu vào vết mổ của bạn bất cứ khi nào có thể.
Nếu bác sĩ đề nghị bạn nghỉ ngơi trong 2 tuần, đừng cố gắng đi làm lại sớm hơn. Sự mệt mỏi sẽ không giúp vết thương lành và thậm chí mọi thứ có thể xấu đi.