Dấu hiệu trẻ bị bệnh hen suyễn
Hen suyễn là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp ở trẻ em. Tình trạng viêm mạn tính đường thở sẽ khiến trẻ mắc bệnh nhạy cảm với nhiều chất kích thích.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Cứ 10 trẻ sẽ có 1 – 2 trẻ mắc bệnh hen suyễn. Mức độ nặng nhẹ khác nhau, có bé nhỏ bị lớn lên lại hết bệnh”.
Khi mẹ thấy trẻ có dấu hiệu ho kéo dài, dễ ho khi vận động nhiều, ho sau khi khóc, sau khi cười, ho về đêm thì có nguy cơ cao mắc hen suyễn. Một số trẻ còn có dấu hiệu thở khò khè, thở rút hõm ức.
Trẻ em có tiền sử mắc bệnh chàm, viêm mũi dị ứng, trẻ bị thấp cân, hay mắc các bệnh về đường hô hấp, trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, trong gia đình có cha hoặc mẹ mắc chứng hen suyễn… đều có nguy cơ mắc bệnh này.
Việc chẩn đoán bệnh hen suyễn ở trẻ không đơn giản. Nếu cha mẹ muốn biết chắc nên đưa trẻ đi thăm khám, theo dõi, bác sĩ Khanh thông tin.
Chăm sóc trẻ bị bệnh hen suyễn
Trẻ bị hen suyễn cần được các bác sĩ chuyên khoa điều trị và theo dõi. Cha mẹ nên biết sử dụng thuốc cắt cơn tại nhà nếu trẻ đã từng lên cơn nặng.
Việc phòng ngừa hen suyễn rất quan trọng, nhiều gia đình phải dùng thuốc và xịt hàng ngày để cắt cơn cho trẻ. Cha mẹ nên cho bé chích ngừa đầy đủ (các mũi phế cầu và cúm) đồng thời tránh các yếu tố khiến trẻ lên cơn suyễn như:
- Thức ăn: Hải sản, thịt bò, các loại hạt.
- Khói bụi: Khói thuốc lá, mùi sơn, xung quanh có người xây nhà.
- Trẻ vận động quá mức.
- Tránh nhang khói và các chai dạng xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng.
- Không để trẻ tiếp xúc với vật nuôi (chó, mèo…).
Khi trẻ lên cơn suyễn mà cha mẹ không thể can thiệp cắt cơn, môi hay đầu ngón tay tím tái (dấu hiệu nguy kịch)… cần kịp thời đưa đến bệnh viện.