Một ngày trung tuần tháng 8-2018, chúng tôi tình cờ gặp lại em Phạm Văn Cơ (15 tuổi, trú ở TP Đà Nẵng) khi em được mẹ là bà Huỳnh Thị Ánh (54 tuổi) dẫn đi kiểm tra lại các chỉ số sức khỏe lần cuối sau ca ghép tim tại Bệnh viện TW Huế để làm thủ tục xuất viện.
Nhìn khuôn mặt khôi ngô với vầng trán cao, đôi mắt sáng và nụ cười luôn nở trên môi của cậu bé 15 tuổi này thì ít ai biết rằng, chỉ trước đó khoảng 2 tháng, Cơ được các bác sĩ dự báo thời gian sống còn rất ngắn (dưới 6 tháng) do mắc bệnh cơ tim giãn và được đặt máy khử rung tim tự động (ICD). “Thế nhưng, như một phép mầu vậy, con trai tôi đã được cứu sống kỳ diệu bằng đôi tay tài hoa và tấm lòng nhân hậu của các bác sĩ Bệnh viện TW Huế…”, bà Ánh cười, ánh mắt rưng rưng khi nói đến ca phẫu thuật ghép tim của con trai.
Theo lời bà Ánh, chồng bà bị mất đột ngột trong một vụ tai nạn giao thông, để lại cho bà 2 đứa con thơ dại. Vì hoàn cảnh quá nghèo khó nên bà không có tiền chữa trị bệnh cho con trai đầu và cháu cũng qua đời do căn bệnh tim quái ác. Không lâu sau đó, bà bàng hoàng đón nhận hung tin đứa con còn lại là Cơ cũng mắc bệnh tim và khó có thể cứu chữa, trừ khi được thay quả tim mới tương đồng với cơ thể.
Đang trong tuyệt vọng thì điều may mắn đã đến với Cơ. Khi em đang điều trị tại Bệnh viện TW Huế thì vào ngày 13-6-2018, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thông báo có nguồn tạng hiến từ một người cho chết não do bị tai nạn có các chỉ số phù hợp với em. Do thời gian cho phép thiếu máu tạng từ 4 đến 6 giờ đồng hồ, thời điểm này lại không có chuyến bay nào từ Hà Nội đến Thừa Thiên- Huế nên sau ca phẫu thuật lấy tạng, các bác sĩ Bệnh viện TW Huế cùng chuyên gia bảo quản tim của Bệnh viện Việt - Đức đã cấp tập vận chuyển quả tim theo đường hàng không từ TP Hà Nội vào TP Đà Nẵng và sau đó từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên-Huế bằng đường bộ để kịp ghép tim cho bệnh nhân.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Ghép tạng Bệnh viện TW Huế, trong ca ghép tim cho bệnh nhân Cơ, mọi tính toán buộc phải chính xác và thỏa mãn 3 điều kiện, đó là quãng đường vận chuyển tim dài hơn, quỹ thời gian rất ngắn để chuẩn bị cho 1 ca ghép tim và phải bảo đảm thời gian thiếu máu tim trong giới hạn cho phép.
“Sau khi quả tim vận chuyển đến Huế, kíp mổ do ThS. BS Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện TW Huế thực hiện. Đến 6h ngày 14-6, ca mổ kết thúc tốt đẹp, quả tim của người hiến tạng tại Hà Nội với nhịp đập đều đặn đã bảo đảm huyết động trong lồng ngực của bệnh nhân Cơ…”, GS.TS Phạm Như Hiệp nhớ lại khoảnh khắc ca ghép tim xuyên Việt lần 2 do Bệnh viện thực hiện.
Trong cuộc trò chuyện về ca ghép tim đặc biệt của em Cơ, bà Ánh nhiều lần xúc động nói không nên lời. Và chúng tôi biết rằng, sự xúc động, những giọt nước mắt ấy là niềm vui mừng của người mẹ, sau những tháng ngày lo sợ căn bệnh tim cướp đi tính mạng đứa con trai duy nhất còn lại của mình trong một khoảnh khắc nào đó, thì giờ đây thay vào đó là niềm vui hiển hiện trong tâm trí người mẹ giàu lòng nghị lực, thương con vô bờ bến này.
Được biết, trước ca phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân Cơ, vào giữa tháng 5-2018, Bệnh viện TW Huế cũng đã thực hiện ca ghép tim xuyên Việt cho ông Trần Tuấn (52 tuổi, trú ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), bị suy tim giai đoạn cuối vì bệnh cơ tim giãn. Trước khi ca ghép tim diễn ra, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia quyết định cho phép êkíp mổ tim Bệnh viện TW Huế phối hợp với các kíp mổ tại Hà Nội phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ người đã chết não tại Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội.
Sau khi được lấy ra khỏi cơ thể người chết não, quả tim được vận chuyển ngay về Huế bằng đường hàng không để thay thế cho quả tim bệnh lý của người bệnh. Và đây là lần đầu tiên có một ca điều phối tạng từ Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội tới Huế. Tiếp đó, ca phẫu thuật đã được các bác sĩ thực hiện thành công ngoài sự mong đợi, hồi sinh mạng sống lần thứ hai cho bệnh nhân Tuấn.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện TW Huế bày tỏ: “Thành công của các ca phẫu thuật ghép tim xuyên Việt là minh chứng cho quy trình ghép tạng mô hình đa trung tâm mà chúng ta đang thực hiện là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn tạng từ người cho chết não thường ít được sự đồng ý của người nhà. Vì thế vấn đề này cần được các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi và dư luận ủng hộ để giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống nhờ ghép tạng”.