Về đề xuất được hiến tạng cho khoa học của bị cáo Nguyễn Hữu Tình - thủ phạm thảm sát cả gia đình 5 người ở quận Bình Tân, TP.HCM, trao đổi trong ngày 10/7 Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư Bình Phước) cho rằng: "Luật hiện nay không cấm và không quy định gì về việc tử tù hiến tạng hay hiến xác. Tuy nhiên, theo các quy định về hiến tạng và thi hành án hình sự thì việc tử tù hiến tạng, hiến xác không thể thực hiện được".
"Theo Điều 5 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (năm 2016) quy định "người đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác". Như vậy, về pháp lý thì tử tù cũng đã bị hạn chế một phần năng lực hành vi dân sự. Các quy định về thi hành án đối với tử tù cũng được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.
Theo đó, luật hiện nay chỉ quy định một hình thức tử hình duy nhất là tiêm thuốc độc. Về nguyên tắc, người tử tù buộc phải thi hành án bằng biện pháp này chứ không thể thực hiện bằng biện pháp khác. Nếu dùng các biện pháp khác nhằm chấm dứt cuộc sống của tử tù để lấy tạng, xác mà không tuân thủ theo quy định về thi hành án là vi phạm pháp luật. Do vậy, sau khi tử tù bị thi hành án thì cơ thể, nội tạng đã bị nhiễm độc và sẽ không thể đáp ứng các điều kiện về y tế để hiến tạng, hiến xác nữa", Luật sư Nam cho biết.
Bên cạnh đó, luật sư Nam còn chia sẻ: "Việc hiến tạng, xác cho y học nhằm mục đích cứu người cũng là một việc làm mang tính nhân văn, dù là tử tù thì cũng nên xem xét nhằm thể hiện tính nhân văn, hướng thiện của con người. Vì vậy, cũng cần có cơ chế, hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện cho tử tù thực hiện quyền này".
Trước đó, trong phiên tòa ngày 9/7 ở TP.HCM, bị cáo Nguyễn Hữu Tình, hung thủ giết 5 người trong gia đình ông Mai Xuân Chinh (SN 1972, quê Thanh Hóa) ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân và cướp tài sản, khi nói lời sau cùng trước khi bị tuyên án tử đã xin được hiến tạng cho khoa học. Tuy nhiên, đề xuất này của bị cáo Tình tiếp tục nhận được những ý kiến trái chiều từ dư luận.