Bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng tại một số tỉnh thành và rất dễ lây lan, vì thế, nhiều người lo ngại việc nhìn vào mắt người đau mắt đỏ sẽ bị lây. Vậy nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?
Nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?
Theo các chuyên gia "nhìn vào mắt người đau mắt đỏ sẽ bị lây" là quan điểm sai lầm.
Trả lời trên Báo VnExpress, bác sĩ Nguyễn Đình Trung Chính, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, đau mắt đỏ lây lan qua đường tiếp xúc dịch tiết mắt người bệnh. Bệnh lây truyền qua nhiều cách, gồm: tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn hoặc bắt tay; dùng các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền qua nguồn nước nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, hoặc bể bơi. Thói quen dụi mắt, đặt tay vào mũi hoặc miệng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Đau mắt đỏ không lây khi nhìn vào mắt người bệnh. Có thể do bệnh dễ lây lan và phát bệnh nhanh nên nhiều người nghĩ rằng bệnh sẽ lây khi nhìn vào mắt người bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Nga, Khoa khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết, nguyên nhân gây đau mắt đỏ có thể chia làm 2 nhóm:
Nhiễm khuẩn: Do virus, vi khuẩn, vi nấm.
Không nhiễm khuẩn: Dị ứng, hóa chất, giảm bài tiết nước mắt gây khô mắt.
Loại virus gây ra chứng đau mắt đỏ có thể sống trên mặt phẳng, ngoài môi trường 2 ngày. Do vậy nếu tay người bệnh chạm vào mắt rồi chạm vào những đồ dùng công cộng, dùng chung khăn mặt, bát đũa, tiếp xúc trực tiếp với người khác...thì khả năng lây nhiễm cho cộng đồng rất cao.
Đau mắt đỏ thường gặp vào mùa hè đến cuối thu, khi thời tiết chuyển mùa độ ẩm không khí cao làm tăng khả năng lây lan bệnh, bệnh dễ bùng phát thành dịch.
Những đường lây của bệnh đau mắt đỏ
BSCKI. Dương Ngọc Vân cũng cho biết, bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền qua những con đường sau:
- Khi vô tình tiếp xúc với rỉ mắt, nước mắt,... của người bệnh, bạn sẽ có khả năng lây nhiễm bệnh.
- Lây nhiễm qua đường hô hấp: Khi tiếp xúc với người bệnh, giọt nước bọt, nước mũi của họ bắn trong không khí và người khỏe mạnh vô tình hít phải sẽ có nguy cơ cao bị lây bệnh.
- Dùng chung một số vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, khăn tắm, cốc nước hay bát đũa,… Hoặc tiếp xúc với những đồ vật có chứa vi khuẩn lây nhiễm bệnh như nút bấm cầu thang, tay nắm cửa,…
- Qua đường quan hệ tình dục.
Như vậy, nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ bị lây bệnh là quan điểm không có căn cứ. Vì thế, chỉ đeo kính và vẫn tiếp xúc với người bệnh thì sẽ không thể phòng bệnh hiệu quả. Khi ho và nói chuyện, người bệnh vẫn có thể lây truyền bệnh cho bạn.
Lưu ý, khi bị đau mắt đỏ mà chưa có triệu chứng, người bệnh vẫn có thể lây nhiễm sang cho người khác. Ngay cả sau khi khỏi bệnh một tuần, họ cũng vẫn còn có khả năng lây truyền bệnh.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?". Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích đối với bạn.