Đánh giá của Bệnh viện Nhi T.Ư, trong số các trẻ mắc bệnh lao, có các ca mắc thể lao phổi – màng phổi (45%), lao toàn thể (18%), lao màng não (30%); ngoài ra còn có lao xương, lao hạch… Hầu hết các trường hợp nặng xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và bệnh xảy ra trong vòng 2 năm sau tiếp xúc với nguồn bệnh (đa số trong vòng 1 năm).
Đáng lo ngại, có tới 71% trẻ bỏ lỡ cơ hội dự phòng lao bị mắc lao sau này; trong đó nguồn lao là từ mẹ hoặc cha (chiếm tới 47,4%). Tỷ lệ tử vong ở trẻ sống trong gia đình có người bị lao cao hơn so với trẻ sống trong gia đình không mắc bệnh lao…
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo (Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư) các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh lao ở trẻ là: Tiền sử tiếp xúc gần gũi với người bệnh lao phổi, trong vòng 1- 2 năm gần đây; tiền sử trẻ có các triệu chứng lâm sàng nghi lao đã được điều trị nhưng triệu chứng không hoặc ít cải thiện, nhanh tái phát.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo cho biết, trẻ bị bệnh lao có thể khỏi bệnh nếu điều trị đúng phác đồ. Việc điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn, tuy nhiên cha mẹ phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng hướng dẫn của bác sĩ, điều trị đủ thời gian (6- 9 tháng), đủ liều lượng thuốc, đúng phác đồ thì bệnh mới ổn định.
Đặc biệt, ở trẻ có các triệu chứng lâm sàng nghi lao cần chú ý như: Triệu chứng toàn thân gồm sốt, ra mồ hôi đêm; trẻ mệt mỏi hoặc giảm chơi đùa; chán ăn, không tăng cân hoặc sụt cân, suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng cơ năng nghi lao như: Tùy thuộc vào cơ quan mắc lao trẻ có thể ho dai dẳng, nổi hạch, đau đầu, co giật, đau khớp… Các triệu chứng này thường kéo dài trên 2 tuần, không cải thiện với liệu pháp điều trị khác.
Bệnh lao ở trẻ em có thể chữa khỏi được với hoá trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót). Việc tuân thủ điều trị có thể giúp phòng bệnh lao kháng thuốc; bởi bệnh lao kháng thuốc thường phát sinh thông qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến do không tuân thủ điều trị.
Để phòng bệnh lao cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo: Trẻ em nếu có phơi nhiễm với bệnh lao cần được sàng lọc tại cơ sở y tế và theo dõi. Cần kiểm soát vệ sinh môi trường để phòng lây nhiễm lao; tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh lao. Cần thay đổi hành vi của người bệnh nhằm làm giảm sự phát tán mầm bệnh ra môi trường như: Người mắc bệnh lao cần dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác; khạc đờm và bỏ đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên.
Đặc biệt việc tiêm vaccin BCG là cách hữu hiệu phòng bệnh lao cho trẻ. Vaccine phòng lao có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vaccine sẽ giúp cơ thể trẻ hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm vi khuẩn lao. Vaccine cũng hiệu quả trong việc chống lại bệnh lao lan tỏa và lao màng não.