Nguồn gốc tục thắp nhang của người Việt
Đối với người Việt, tục thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên đã có từ hàng ngàn năm như một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian. Vào mùng 1, ngày rằm hoặc các ngày lễ, tết, đám cưới, đám hỏi, ma chay… con cháu thành kính thắp lên ông bà nén nhang nhằm bày tỏ tấm lòng, tưởng nhớ về nguồn cội.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Giáo sư Tiến sĩ (GS.TS) Cao Ngọc Lân (TP.HCM) cho biết: “Nghi thức dâng hương là tập quán mà hầu như mọi người dân Châu Á bất kể lứa tuổi nào, sống ở bất cứ nơi đâu đều biết đến. Nén hương đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng. Dù không mê tín dị đoan, trong tâm thức mọi người Châu Á đều tin rằng nén hương khi đốt lên, cũng như một nhịp cầu vô hình kết nối hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau”.
Theo Nhà văn hóa Tô Thanh Phong (TP.HCM): “Khi thắp hương, con người cảm nhận được sự thanh tĩnh, an yên. Từ đó, người ta thường cầu nguyện và tìm điểm tựa niềm tin qua hương khói gửi đến đấng thiêng liêng vô thường.
Cây nhang thắp lên bàn thờ thể hiện tính cách, phong thái của người thắp. Tàn nhang thể hiện sự chứng giám lòng thành của bề trên”.
Thực hư quan niệm nhang cuốn tàn mang lại nhiều lộc lá
Trong tâm tưởng người Việt, nén nhang chính là sự kết nối giữa con người và thế giới tâm linh. Chính vì thế, nhiều người vẫn quan niệm tàn nhang sau khi cháy xong vẫn đậu trên tăm nhang và uốn cong sẽ mang nhiều tài lộc và niềm vui cho gia đình.
Lợi dụng tâm lý muốn nén nhang thắp lên giữ lại lộc, nhiều cơ sở sản xuất nhang đã cố tình thêm vào một số hóa chất nhằm giữ lại tàn hương và tạo độ cong sau khi cháy. Loại nhang này thường được mọi người gọi với cái tên nhang lộc hoặc nhang cuốn tàn.
Chia sẻ về quá trình làm nhang cuốn tàn, anh C. (quê Thanh Hóa) cho biết: “Cách làm nhang thông thường và nhang cuốn tàn trải qua các công đoạn tương tự nhau. Tuy nhiên, bí quyết để tàn nhang có thể đậu lại trên tăm nhang chính là bước ngâm các tăm nhang vào dung dịch axit nitric (HNO3) hoặc axit photphoric (H3PO4)”.
Nhang cuốn tàn thường được bày bán nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Tại các tỉnh phía Nam, nhu cầu sử dụng loại nhang này thấp hơn nhưng vẫn chiếm tỉ lệ nhất định.
Chú Trần Văn T. (54 tuổi) – chủ một cơ sở bán nhang tại một khu thuộc quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết: “Khách mua nhang sẽ tự chọn loại nhang cháy tàn thông thường hay nhang đậu tàn. Các loại nhang đậu tàn tôi nhập từ các tỉnh phía bắc vào để bán”.
Tuy nhiên, bàn về vấn đề nhang thắp giữ lại tàn uốn cong, GS.TS Cao Ngọc Lân thông tin: “Nén nhang như sự chứng giám của bề trên. Thông qua nén nhang, gia chủ có thể nhận thấy được thông điệp từ ông bà tổ tiên. Trường hợp nhang còn giữ lại tàn, uốn cong cũng cho thấy niềm vui đến trong gia đình nhưng phải theo một cách tự nhiên, không khiên cưỡng”.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi (TP.HCM) nhận định: “Quả thật không thể phủ nhận cùng một loại nhang nhưng có người đốt thì tàn nhang dài (ở đây chúng ta phải hiểu là nhang tự nhiên, không ngâm hóa chất). Còn có người đốt thì tàn nhang cứ rơi xuống, không dài ra. Đây có thể xem là sự giao thoa năng lượng của đấng linh thiêng đến với con người. Nếu chỉ dựa vào việc tàn nhang dài không rớt mà vội cho là có lộc thì không có căn cứ. Lộc do cách chúng ta ăn ở tu thân tích đức lâu dài chứ không chỉ ngồi dựa vào tàn nhang”.
Hiểm họa không ngờ từ nhang cuốn tàn
Chính sự khác nhau trong công đoạn ngâm tăm nhang dẫn đến khói hương và các chất sinh ra cũng khác nhau. Các loại axit ngâm tăm nhang sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người theo khuyến cáo của một số chuyên gia.
Chia sẻ cụ thể về quá trình đốt cháy tăm nhang có ngâm dung dịch hóa chất để giữ lại tàn, Kỹ sư Công nghệ hóa Lương Ánh Hồng (TP.HCM) cho biết: "Axit nitric (HNO3) và axit photphoric (H3PO4) là hai loại dung dịch axit cực kỳ độc hại, nếu bay hơi trực tiếp ở nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Axit nitric là loại axit độc, ăn mòn và dễ gây cháy. Trong tự nhiên, axit này hình thành từ những cơn mưa giông kèm sấm chớp và là một trong những tác nhân gây ra mưa axit.
Tương tự, axit photphoric là bán thành phẩm trong quá trình sản xuất phân bón, dược phẩm, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, điều chế phân lân...”.
Ở góc độ y tế, Bác sĩ nội trú chuyên khoa Tai - Mũi - Họng Ngô Thạnh Phát - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ: “Chưa có nghiên cứu hay bằng chứng cụ thể nào xác định chính xác sự ảnh hưởng của khói nhang đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc thắp nhang trong phòng kín sinh ra khói CO2 có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp của con người. Đối với bệnh nhân bị hen suyễn hoặc phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh khói nhang, đặc biệt là các loại nhang tẩm hóa chất”.
Xu hướng nhang sạch lên ngôi
Nghệ nhân làm nhang Âu Thành Công (44 tuổi, Tiền Giang) cho biết: “Nhang sạch là loại nhang được làm hoàn toàn từ các loại bột thiên nhiên được trộn với tỉ lệ khác nhau theo công thức gia truyền của mỗi gia đình hay mỗi làng nghề. Hiện nay, nhiều người đã có ý thức sử dụng nhang sạch để bảo vệ sức khỏe gia đình. Do đó, tôi vẫn giữ truyền thống làm nhang sạch nối nghiệp từ cha ông”.
Tại làng nhang trăm tuổi Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh (TP.HCM), mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh hai bên đường Mai Bá Hương tràn ngập hình ảnh những giá nhang, những bó tăm làm nhang đỏ rực đang phơi. Đây là làng nghề lâu đời và lớn nhất TP.HCM.
Cô Bảy (73 tuổi) - người đã có 25 năm gắn bó với nghề làm nhang, cho biết: “Bột làm nhang thường được làm từ mùn cưa và thêm bột cá. Sau khi chúng tôi gia công, đại lý mới thu mua về và xịt dầu thơm để có mùi đặc trưng của họ. Vì làm đảm bảo, uy tín nên làng nghề chúng tôi mới tồn tại lâu”.
“Từ năm 14 tuổi tôi đã học nghề làm nhang. Cây tăm nhang có màu đỏ là do ngâm trong nước sông có pha phẩm màu, hoàn toàn không nhúng hóa chất. Tui có nghe nói đến nhang cuốn tàn nhưng làng tui không làm loại nhang đó” - Anh Ba (44 tuổi) chia sẻ.
Từ hiểm họa tiềm ẩn từ khói nhang hóa chất, người tiêu dùng đã bắt đầu ưu tiên sử dụng các loại nhang sạch để thắp lên bàn thờ tổ tiên.