Đã xác định thêm một cái Tết không có thưởng, nhưng khi trong nhóm chat bạn bè khoe được thưởng Tết 1-2 tháng lương hay đỉnh điểm là 3 tháng lương, Thu Uyên (28 tuổi, quê Vĩnh Phúc) - freelancer ở TP.HCM - vẫn cảm thấy có chút chạnh lòng.
“0 đồng thưởng Tết, 0 đồng bảo hiểm là điều tôi chấp nhận từ đầu khi chọn con đường làm tự do 2 năm nay. Vì vậy, tôi chỉ buồn thoáng qua”, cô chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Như mọi năm, Uyên dự tính chi phí tiêu Tết Nguyên đán sắp tới khoảng 40 triệu đồng. Các khoản bao gồm 8 triệu đồng vé máy bay khứ hồi TP.HCM - Hà Nội; 10 triệu đồng biếu mẹ sắm Tết; 10 triệu đồng lì xì; 3-4 triệu đồng mua quần áo mới; 8 triệu đồng để dự phòng, đi lại, ăn uống, gặp gỡ bạn bè dịp Tết.
Để không rơi vào tình cảnh lao đao vì “không một xu dính túi”, từ trước Tết khoảng 4 tháng, Uyên đã bắt đầu để dành tiền vào một hũ tiết kiệm riêng. Đây là kinh nghiệm cô đúc kết được sau một cái Tết đầu tiên vật vã vì không có sự chuẩn bị.
Tương tự Thu Uyên, với 0 đồng thưởng Tết, nhiều người trẻ làm freelancer phải lên kế hoạch tài chính từ sớm và cố gắng “cày cuốc” nhiều job cùng lúc để có tiền tiêu Tết.
Tự do là tự lo
Thu Uyên từng có công việc lương cao, nhận thêm job bên ngoài cho thu nhập ít nhất 30-35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công việc cuốn lấy khiến cô thường xuyên trở về nhà lúc 19-20h, cơ thể kiệt quệ, không có thời gian và động lực tập thể dục.
Do ít vận động, tháng 8/2023, Uyên mắc hội chứng ống cổ tay khiến đôi tay sưng lên, không thể gõ bàn phím máy tính hay cầm, nắm vật gì. Cô buộc phải nghỉ công việc “9-to-5” (làm văn phòng 8 tiếng) để chuyên tâm chữa bệnh.
Vừa khỏi được tay, Uyên lại đau 2 dây thần kinh tọa, đau xơ cơ, bác sĩ khuyên không nên làm gì. Đột ngột đổ bệnh, cô vừa mất đi khoản thu nhập cố định hàng tháng, vừa tiêu tốn gần 20 triệu đồng vào thuốc thang, trị liệu.
Số tiền tiết kiệm còn lại chỉ đủ để Uyên tiếp tục chữa bệnh và sống đến cuối năm. Bởi vậy, đến tháng 10, khi sức khỏe khá hơn một chút, cô đã nối lại một số job freelance, nhưng làm cầm chừng 2-3 tiếng/ngày, đủ trang trải tiền ăn và thuê nhà.
Một cái Tết đột ngột: 0 đồng thu nhập, 0 đồng thưởng Tết. Tuy nhiên, cô gái sinh năm 1997 vẫn phải bỏ ra 30 triệu đồng để về nhà ăn Tết.
Sau khi ra Giêng và trở lại TP.HCM, tài khoản của Uyên còn đúng 500.000 đồng. May mắn có tiền từ một số job trước Tết đổ về, cô có thể cầm cự thêm ít lâu.
“Thời gian đó tôi khá stress, có suy nghĩ phải đi làm full-time trở lại. Thế nhưng sức khỏe chưa hồi phục, tôi quyết định vẫn làm freelance để có thời gian chăm sóc bản thân”, cô nói.
Ban đầu, Uyên cũng gặp khủng hoảng khi chuyển hẳn sang làm tự do. Nhưng khi đã vào guồng, cô có thể chủ động về mặt thời gian.
Uyên thường thức dậy lúc 9h, làm việc 1-2 tiếng rồi ăn trưa và nghỉ ngơi, 14h tiếp tục xử lý công việc đến khoảng 16-17h là đóng máy tính, không “cày” đêm. Cô dành thời gian còn lại để tập gym, yoga và nấu ăn.
Uyên mô tả cuộc sống của mình hiện tại lành mạnh và cân bằng. Năm nay, cô không còn phải đi bác sĩ, không bị đau lưng, không thiếu thời gian vận động.
“Sức khỏe đã tốt lên rất nhiều nên đó là một trong những lý do mà khi nhìn thấy các bạn khác có thưởng Tết, tôi cũng không quá buồn”, cô gái 27 tuổi nói.
Năm nay, nỗi lo về Tết của Uyên nhẹ bớt vì đã có kinh nghiệm. Cô sớm lên danh sách chi tiêu Tết, từ đó xác định có bao nhiêu khoản chi sẽ phải có tương đương từng ấy khoản thu nhập.
Tuy nhiên, Uyên cảnh báo job freelance có sự bấp bênh, khách có thể đột ngột dừng dự án bất cứ khi nào. Bởi vậy, cô luôn giữ nhiều hơn 3 job chạy song song. Quy tắc của cô gái Vĩnh Phúc là có một job chiếm 60% thu nhập theo dự án lâu dài, những job ngắn hạn đáp ứng 40% thu nhập còn lại.
Thu Uyên cũng cho rằng freelancer cần có khả năng kỷ luật tuyệt vời để thiết lập quy trình làm việc, tuân thủ thời gian và khối lượng công việc nhằm không bị trễ deadline.
“Thực tế, đi làm full-time không phải công ty nào cũng thưởng Tết. Người có thu nhập ổn định nhưng không có kế hoạch tài chính thì cũng dễ toang. Nếu freelancer khủng hoảng Tết có thể do họ chưa chuẩn bị kỹ hoặc bị buộc phải làm tự do chứ không phải lựa chọn”, cô nhận định.
Bỏ máy bay đi xe khách để tiết kiệm
Trung Hiếu (27 tuổi) vừa chuyển từ công việc “9-to-5” sang làm freelancer hồi tháng 5/2024. Tết Ất Tỵ sắp đến sẽ là cái Tết đầu tiên anh đón năm mới mà không có thưởng Tết.
Hiếu chủ yếu làm việc trong mảng truyền thông xã hội, đảm nhận nhiều đầu việc như: quản lý kênh mạng xã hội, sáng tạo nội dung, quay dựng video, chạy quảng cáo… với thu nhập dao động 10-30 triệu đồng/tháng.
Trước đó, với công việc văn phòng, anh có thu nhập ổn định hơn, dao động ở mức 20-25 triệu đồng. Tiền thưởng Tết của anh khi đó tương đương một tháng lương.
Làm freelancer cho Hiếu sự tự do trong thời gian, địa điểm làm việc nhưng đồng thời buộc anh phải tự lo về tài chính. Từ những tháng 9-10, freelancer 27 tuổi đã phải tìm thêm nhiều việc để có khoản chi tiêu cho dịp cuối năm.
“Khác với Tết 2024 được tiêu xài thoải mái vì có một khoản lương tháng 13 và thưởng Tết, năm nay làm gì mình cũng phải tính toán kỹ lưỡng, tự hỏi có cần thiết hay không”, chàng trai chia sẻ.
Hiếu nói thêm bản thân chỉ định mua 1-2 bộ quần áo mới, tặng cha mẹ tiền xài Tết và đồ dùng cần thiết trong Tết Nguyên đán 2025.
Thắt chặt chi tiêu hơn lúc trước, năm nay, Trung Hiếu bớt đi tiền vé máy bay 5-7 triệu đồng bằng cách đi xe khách, phí khoảng 1-2 triệu đồng. Số tiền lì xì cho gia đình dự kiến cũng giảm đáng kể trong Tết Ất Tỵ.
Dịp cuối năm này, lượng công việc của Hiếu nhiều hơn gấp ba thường ngày, có những ngày anh phải làm việc xuyên đêm để đúng hẹn với khách hàng. Tuy nhiên, thu nhập của anh chỉ tăng khoảng gấp đôi bình thường.
“Về cơ bản, freelancer ngày nào cũng ‘cày cuốc’, không cần đợi sát Tết. Công việc nhiều thì mình cũng phải cân nhắc khả năng trước khi ký hợp đồng với khách hàng để đảm bảo kết quả cho dự án mà vẫn phát triển nghề nghiệp”, anh chàng nói thêm.
Tết 2025 cũng là cái Tết đầu tiên Hoài An (22 tuổi, ngụ quận 1) đón năm mới với công việc freelancer. Hoàn thành chương trình đại học hồi đầu năm ngoái, cô chưa vội tìm công việc chính thức mà nhận đa dạng công việc để có thêm trải nghiệm.
Thu nhập khoảng 7-8 triệu/tháng, An đang có 4 công việc khác nhau, bao gồm: cộng tác viên truyền thông cho công ty ở TP.HCM, dẫn chương trình sự kiện, lồng tiếng video và phát thanh viên. Song, cô vừa kết thúc hợp tác với công ty truyền thông dù đây là nguồn thu nhập ổn định 4 triệu/tháng.
Cái Tết đầu tiên khi gia nhập thị trường lao động của An khá ảm đạm.
“Một vài chương trình tôi làm MC vẫn chưa giải ngân chi phí dù đã vài tháng trôi qua, Tết Nguyên đán thì sắp tới”, cô gái 22 tuổi tâm sự.
An nói thêm bản thân vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng để tiêu Tết. Năm mới sắp đến, cô dự định biếu cha mẹ 2 triệu đồng, còn việc mua sắm quần áo, mỹ phẩm, đồ trang điểm… trong ngày Tết thì “dư bao nhiêu xài bấy nhiêu”.
Nhận xét về lợi ích khi làm freelancer, Hoài An nhấn mạnh yếu tố tự do trong thời gian, địa điểm lẫn trang phục làm việc. Cô so sánh nghề freelance như “chiếc giường thoải mái”, chỉ cần tập trung làm công việc chuyên môn, không cần bận tâm về việc giao tiếp, trang phục hay kỷ luật giờ giấc.
“Nhưng khi nằm quá lâu trên giường dễ bị mất kỷ luật, hiệu quả công việc giảm sút và tụt hậu so với bạn đồng trang lứa. Những ngày mình đau bệnh cũng phải cố làm việc vì không ai thay thế”, cô nhận xét.
Năm sau, An dự định tìm một công việc “9-to-5” để ổn định thu nhập, có cơ hội kết nối và học hỏi từ người đi trước đồng thời có thêm trải nghiệm làm việc tại môi trường công sở.
“Mình muốn trải nghiệm đủ các hình thức làm việc rồi mới quyết định đâu là công việc phù hợp với bản thân, sau đó thì phát triển về chiều sâu”, cô chia sẻ.