Hệ thống thần kinh của chúng ta được tạo thành từ những tế bào thần kinh. Những tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông tin từ não bộ đến các cơ quan khác nhau. Khi bị bệnh Alzheimer, chức năng của các tế bào thần kinh bị mất đi, ảnh hưởng trực tiếp đến ký ức của người bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer thường xuất hiện khi bạn bước sang tuổi 60. Những dấu hiệu sớm của bệnh bao gồm gặp khó khăn về trí nhớ, thường là những sự kiện mới xảy ra. Tuy nhiên, dấu hiệu này đôi khi cũng có thể xảy ra do quá trình lão hóa.
Một số dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh như không thể nhớ được những gì đã xảy ra, thậm chí không thể nhận ra các thành viên trong gia đình, bạn bè thân thiết. Ngoài ra, người mắc bệnh Alzheimer thường xuyên bị đi lạc trên con đường quen thuộc, quên các cuộc hẹn, sự kiện quen thuộc, tiếp tục lặp lại cùng 1 câu hỏi nhiều lần.
Bên cạnh đó, khi mắc bệnh thì cũng sẽ làm cho người bệnh gặp khó khăn trong đọc và viết, giao tiếp và thay đổi cảm xúc của bản thân. Các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển, cuối cùng khiến người bệnh không thể tự chăm sóc chính bản thân mình.
Làm sao ngăn ngừa bệnh Alzheimer?
Các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tuy nhiên, họ cho rằng các yếu tố di truyền, chế độ ăn uống và lối sống thiếu khoa học sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Mặc dù chúng ta vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để căn bệnh này nhưng việc áp dụng lối sống lành mạnh ngày từ khi còn trẻ sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tiến sĩ (TS) Pradeep Mahajan, nhà nghiên cứu y học tại StemRx đã đưa ra những lời khuyên phòng bệnh hiệu quả.
Tập thể dục
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của hoạt động thể chất với sức khỏe. Duy trì thói quen vận động thường xuyên sẽ tăng cường cung cấp máu lên não. Theo TS.Pradeep Mahajan, 30 phút tập aerobic với cường độ 3 – 4 lần một tuần sẽ giúp người trưởng thành duy trì cơ thể khỏe mạnh, cơ bắp săn chắc, tăng cường tuần hoàn não.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh là chìa khóa cho cuộc sống khỏe, ngăn ngừa nhiều bệnh khác nhau. Một số chất tốt cho não bao gồm các loại thực phẩm chống oxy hóa và kháng viêm như rau lá xanh, bơ, bông cải xanh, axit béo omega-3. Chúng được tìm thấy trong các loài cá như cá hồi, cá ngừ, trứng, sô cô la đen, trái cây,… Hạn chế tiêu thụ các loại thịt đỏ, đường và các thực phẩm nhiều chất bảo quản.
Bên cạnh đó, người lớn tuổi cần cung cấp thêm nhiều thực phẩm chứa canxi và glucosamin là những hợp chất chính giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương và các bệnh về khớp. Các nghiên cứu gần đây cũng phát hiện ra rằng, vitamin E cũng có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, suy giảm trí nhớ ở người, trong đó có cả bệnh Alzheimer.
Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao thường xuyên thì cần chú ý ngủ đủ từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm để giúp tế bào thần kinh hoạt động hiệu quả hơn