Ngồi trước mâm đồ ăn lớn, một TikToker nữ có hơn một triệu lượt theo dõi, bắt đầu quay video mukbang của mình. Mukbang là một xu hướng ẩm thực trực tuyến bắt nguồn từ Hàn Quốc, trong đó nhân vật chính sẽ ăn trực tiếp rất nhiều thực phẩm trước camera và tương tác với khán giả.
Mâm đồ ăn gồm các loại hải sản sống như bạch tuộc, tôm hùm, hàu, gỏi bò khô với số lượng lớn, được cô gái ăn hết trong vòng chưa đầy 10 phút. Trong video, người xem có thể nghe rõ tiếng bốc, nhai, nghiền tạo ra các âm thanh khác nhau. Video thu hút triệu lượt xem.
Tiến, 20 tuổi, ở Hà Nội, là một trong những fan hâm mộ các video này. Anh bắt chước, cùng hai người bạn mua số lượng thực phẩm lớn gồm bánh mì, xúc xích, khoai tây chiên, gà rán, pizza, mì ý, nước ngọt có ga, bày la liệt tạo thành một bàn thức ăn khổng lồ, bắt mắt. Tiến vừa ăn và nói chuyện trước camera, đồng thời cắn, nghiền và nhai đồ ăn để tạo ra các âm thanh khác nhau. Sau bữa ăn, Tiến bị đau, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa nhiều ngày, nhập viện.
Tìm kiếm từ khóa "ăn khổng lồ" trên các nền tảng như TikTok, YouTube, rất nhiều video giới thiệu đa dạng các thực phẩm và cách thức thực hiện, như thử thách ăn phở, pizza, trà sữa siêu to.
Để lôi kéo người xem, trào lưu này liên tục biến tướng, ngày càng kỳ quái, như ăn thực phẩm hết hạn, nội tạng sống, giun đất hoặc kết hợp các món không liên quan như phô mai trộn nước mắm, kem ốc quế ăn cùng bún bò, trà sữa trân châu nấu chung với mì tôm.
Các chuyên gia nhận định, có nhiều lý do để "ăn khổng lồ", hay "ăn thùng uống vại" tạo thành trào lưu trên các nền tảng mạng xã hội. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng các video này cung cấp cho người xem trải nghiệm giải trí thú vị, giúp tinh thần thoải mái, thư giãn. Thực tế, con người luôn tò mò về các thứ mới lạ. Xem người khác ăn lượng lớn đồ ăn là một cách để khám phá và tìm hiểu thêm về các món ăn cũng như văn hóa ẩm thực. Chúng có thể làm giảm cảm giác cô đơn với những người ăn một mình.
Một số chuyên gia khác cho rằng, thông qua âm thanh, các video mukbang có thể tạo ra phản ứng cảm giác - vận động tự chủ, còn gọi là ASMR. Cảm giác này sinh ra từ một phần não bộ khiến người dùng thư giãn, thoải mái. Những âm thanh quen thuộc khi ăn như húp, nhai và hình ảnh từ món ăn kích hoạt phản ứng ASMR cho nhiều người xem, khiến não giải phóng một số loại hormone thần kinh nhất định như dopamine, oxytocin, endorphin giúp cải thiện tâm trạng, sự tập trung, giảm đau.
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng nhận định trào lưu này có nhiều mặt tiêu cực. Trong quá trình quay video, các mukbanger có thể mua nhiều thức ăn vượt quá nhu cầu, gây lãng phí thực phẩm. Việc ăn uống vô độ, nhất là tiêu thụ quá nhiều thực phẩm cay hoặc đường, muối sẽ gây các vấn đề sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, nguy cơ thừa cân béo phì.
"Lâu dần sẽ sinh bệnh, tạo hình ảnh tiêu cực về cơ thể và ăn uống, khuyến khích hành vi ăn uống không lành mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý người xem", bác sĩ Hưng nói. Ông khuyên người có vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý gan; người béo phì hoặc nguy cơ béo phì; người có bệnh tâm lý như rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề liên quan đến hành vi ăn uống; trẻ em; người mắc bệnh mạn tính, không nên xem video này.
Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, cũng cho rằng ăn quá nhanh với số lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn dễ gây viêm dạ dày, nguy cơ viêm tụy cấp, rối loạn hấp thu, tạo nên gánh nặng lớn cho gan và thận
Một TikToker giới thiệu bữa ăn khổng lồ với nhiều thực phẩm sống. Ảnh từ video
4 nguyên tắc trong ăn uống lành mạnh, bao gồm: Ăn đủ năng lượng, cân đối các chất, cân đối các bữa trong ngày và đa dạng thực phẩm. Ông Hùng khuyên hạn chế các loại gia vị như đường, muối, mật ong; đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, lạp xưởng và đồ chiên, nướng, thay bằng ăn càng tươi, càng nguyên bản càng tốt. Mỗi ngày nên bổ sung 500-600 g rau củ quả, 200-300 g trái cây, chỉ ăn no đến 80%.
Đối với trào lưu ăn món quái dị, chuyên gia nhận định kết hợp các thức phẩm được cho là không liên quan đến nhau là thiếu cơ sở khoa học, lâu dần sẽ ảnh hưởng hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe tổng thể. Một số thực phẩm kết hợp không đúng còn gây ngộ độc.