Số phận định mệnh đầy nghiệt ngã của người vợ hơn 13 năm chăm chồng bại liệt
Chiều muộn một ngày gần giữa tháng 2, chị Nguyễn Thị Thu Trang (41 tuổi, quê Phú Thọ) vội vã trở về nhà trọ ở khu tập thể cũ trên đường Lê Hồng Phong, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội sau khi kết thúc một ngày làm việc.
Thấy vợ trở về, anh Nguyễn Đăng Trung (41 tuổi, quê Yên Bái) nằm trên giường ú ớ kèm tiếng hú hét, tiếng cười hềnh hệch như thể hiện sự vui mừng, chào đón. Tiến lại gần chồng chị Trang vuốt nhẹ mái tóc nói "Vợ về rồi đây, chồng đói rồi phải không? Chờ vợ nấu cơm chồng ăn nhé!".
Anh Trung bị chấn thương sọ não, nằm liệt giường suốt hơn 13 năm nay sau một vụ tai nạn tại Phú Thọ. Hoàn cảnh 2 bên gia đình cũng vô cùng éo le nên chỉ có vợ chồng anh chị chăm sóc lẫn nhau. Mọi công việc từ kiếm tiền đến chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang… cho chồng đều một tay chị Trang tần tảo bao năm qua.
Trong câu chuyện với PV Dân Việt, chị Trang tâm sự, chị chuyển đến khu tập thể này sinh sống hơn 1 năm nay. Ngày trước, chị ở thuê trong một phòng trọ cấp 4 khu vực quận Hoàng Mai, Hà Nội. Căn nhà khi ấy chật chội, ẩm thấp, bí bách… Có hôm chị đi làm ở nhà chuột bò cắn vào chân anh Trung khiến chị thương xót.
Căn phòng hiện tại anh chị thuê lại từ một người họ hàng xa. Nội thất trong nhà có một chiếc giường, một tủ quần áo và một chiếc tivi treo tường. Từ ngày chuyển đến đây, không gian thoáng đãng khiến chị không còn stress nhiều như trước.
Cuộc hôn nhân của anh chị bắt đầu cách đây gần 14 năm, cũng là bấy nhiêu thời gian chị một tay chăm chồng bệnh tật. Hai kẻ xa lạ, quen biết rồi đến với nhau, nhưng số phận lại muốn thách thức tình yêu đó một cách đầy nghiệt ngã. Anh Trung không may gặp tai nạn chỉ sau 3 tháng kết hôn, chấn thương sọ não, liệt toàn thân, không thể nói. Bấy nhiêu năm đằng đẵng bên cạnh chăm sóc chồng, người đời khuyên, nhưng chị nhất quyết không bỏ anh. Chị nói, một ngày là vợ chồng, cả đời là vợ chồng.
Năm 2008, anh từ quê nhà Yên Bái, xuống Việt Trì (Phú Thọ) theo học một lớp chụp ảnh. Anh gặp chị, thời điểm đó đang là cô thu ngân xinh xắn của tiệm, rồi 2 người đem lòng thương yêu nhau. Một năm sau, anh chị tiến đến hôn nhân, dọn về ở chung một nhà. Cuộc sống tân hôn chỉ kéo dài vỏn vẹn 3 tháng, trước khi tai họa ập đến.
Một buổi chiều tan làm, chị gửi tin cho chồng, nhắn anh tới đón về nhà. 30 phút sau, trước cửa tiệm ảnh xảy ra một vụ tai nạn giao thông. Một người đàn ông ngoại quốc điều khiển xe ô tô đâm trúng người đi xe máy. Dân cư xung quanh ào chạy tới, đỡ nạn nhân dậy đưa đi cấp cứu.
Bên trong tiệm, chưa thấy chồng đến, chị hơi lo lắng. Nghe người ta bàn tán về vụ tai nạn, chị không mảy may quan tâm vì nghĩ đó không phải chồng mình, nhưng lòng chị như có lửa đốt. Lúc sau, một nhân viên hớt hải chạy vào báo: "Chị Trang ơi, anh Trung bị tai nạn nằm ngất xỉu giữa đường". Chị chết lặng, vội chạy ra thì anh đã bất tỉnh nhân sự.
Bi kịch của cuộc đời chị bắt đầu từ đây. Suốt 3 tháng ròng ở viện chăm chồng, nhưng bác sĩ kết luận anh Trung bị chấn thương sọ não, tứ chi mất khả năng vận động. Không khuất phục số phận, chị mang chồng đi nhiều nơi ở Phú Thọ, Yên Bái mong cứu vãn tình hình nhưng đều không khả quan.
Khoảng hơn 1 năm sau, chị mang chồng xuống Hà Nội đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương với hy vọng cuối cùng có thể giúp chồng đi được vài bước hoặc nói được vài ba câu nhưng hy vọng bao nhiêu thì chị lại càng thất vọng bấy nhiêu. Trong hoàn cảnh éo le ấy, cả hai lại chẳng có nơi để về nên chị Trang quyết định ở lại Hà Nội tìm việc, chăm chồng.
Câu chuyện với chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng ú ớ của anh Trung. Chị bảo nhắc lại những chuyện đã xảy ra chồng hiểu được, liên tục tủi thân. Dường như anh Trung đều hiểu được nỗi vất vả của vợ suốt bao năm qua. Nhìn dáng người nhỏ bé của chị Trang ít ai biết được rằng ẩn sâu trong lòng lại là người phụ nữ vô cùng kiên cường, mạnh mẽ. Nhìn những việc chị làm hàng ngày chăm sóc cho chồng mới phần nào hiểu được nỗi vất vả lo toan và tình yêu của chị dành cho một nửa kia lớn biết nhường nào.
Mong ước giản đơn của người vợ
Mỗi sáng, chị thức dậy vào 5h30, gọi anh rồi xoa bóp chân tay cho chồng. Sau đó, với thân hình chỉ khoảng 40kg, chị xốc nách anh, kéo lê tới chiếc ghế trong góc phòng để anh ngồi chơi. Chị lủi thủi ra đầu ngõ mua đồ ăn sáng, về nhẹ nhàng bón cho chồng ăn, trước khi dắt chiếc xe máy cũ mèm phóng hơn 6km đến chỗ làm.
12h trưa tan ca, chị về nhà, hết hơn 20 phút, chưa kịp nghỉ ngơi đã vội lao vào nấu cơm cho anh. Nếu anh ăn nhanh, chị sẽ có thời gian "đánh" vội bát cơm. Còn không, chị phải ăn tạm bánh ngọt hoặc nhịn đói, để kịp 13h30 ca làm chiều.
Những lúc chị đi làm, anh ở nhà một mình, mấy người hàng xóm bên cạnh thay nhau qua hỏi thăm, chăm sóc và cho anh uống nước. Họ pha trò cười, anh không hiểu gì, nhưng cứ cười phá lên, cảm tưởng bên trong căn phòng trọ chật hẹp kia là cuộc đời của 2 con người hẳn phải hạnh phúc lắm.
"Ngày mai Valentine rồi, Trung có tặng vợ gì không? Cho vợ tiền mua hoa cắm nhé?", nghe vợ nói anh Trung gượng nói "ừ" rồi cả hai nhìn nhau cười.
Chị Trang kể, với những người khác mỗi ngày lễ, Tết gia đình, các cặp đôi được vui chơi với nhau, tặng cho nhau những món quà nhỏ ý nghĩa nhưng với chị điều đó là "xa xỉ".
"Có hôm tôi bảo nay sinh nhật vợ, Trung tặng vợ gì không, anh chỉ cười. Tôi bảo nếu Trung không tặng vợ thì vợ tự đi mua hoa về cắm nhé! Lúc này anh ú ớ bảo ừ. Niềm vui, hạnh phúc đơn giản chỉ cần khi đi làm về thấy anh khoẻ mạnh, không ốm đau gì, cười đùa với vợ, dù tiếng cười đó không tròn chĩnh, vô thức thôi cũng là niềm vui, hạnh phúc lớn với tôi rồi", chị Trang xúc động.
Hơn 13 năm bên nhau, anh chị không thể có con. Trong thâm tâm chị cũng khao khát làm mẹ nhưng bất lực không biết làm sao. "Nếu có con, ai sẽ nuôi nó, ai sẽ chăm sóc nó. Bố mẹ tôi và bố mẹ anh đều đã li hôn, gia cảnh phức tạp. Tôi biết, sau này khi về già, 2 vợ chồng sẽ rất đau khổ, vì không có ai bầu bạn và chăm sóc. Tôi không còn con đường nào khác, hay có thể bấu víu vào ai, chỉ mình tôi cố gắng từng ngày bên anh, chăm lo cho anh đến cuối đời", chị bảo.
Giờ đây, cuộc sống của vợ chồng chị Trang cứ thế trôi qua êm đềm trong gian nhà nhỏ ấy. Thi thoảng hàng xóm lại nghe thấy tiếng ú ớ, vô thức phát ra. Chị hàng ngày vẫn miệt mài đi làm, chăm sóc cho chồng. Có lúc, người đời khuyên chị nên "tái giá", tìm cho mình một con đường hạnh phúc mới. Chị tận nghĩa với anh hơn 13 năm qua, thế là đủ rồi. Nhưng chị chỉ im lặng.
"Dẫu rằng người ta muốn tốt cho tôi nên mới khuyên như thế, nhưng quyền quyết định lại ở tôi. Tôi không thể bỏ anh, tôi không muốn lương tâm mình bị cắn rứt. Nhiều khi tôi không dám nghĩ lại quãng đường mình đã trải qua bởi nếu nghĩ lại không thể nghĩ mình lại có thể vượt qua được.
Mỗi người trong cuộc sống đều chọn cho mình hướng đi riêng mà con đường mình đi dù đúng dù sai không hề hối hận bởi giờ này chẳng thể quay đầu đầu được nữa. Mình chỉ biết tự động viên mình dám vượt qua mọi thứ sẽ ổn thôi", chị Trang nói thêm.