Một ngày giữa tháng 7, nắng như đổ lửa, dưới chân núi Chẹt, ven Quốc lộ 1A, họa sỹ Lê Mai miệt mài ngồi bên toan trắng và cây bút sắt. Những nét phác họa đầu tiên về Pù Luông đang dần hiện lên. Ông nói mình vừa đi thực tế sáng tác tại Bá Thước (Thanh Hóa) về được 3 ngày. Dẫu còn mệt nhưng không thể để cảm xúc vụt mất, 2 ngày nay, ông đang mơ màng trôi theo những nếp nhà sàn, những áng mây bồng bềnh, những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô, uốn lượn ở miền Tây xứ Thanh.
Ở tuổi 80, Lê Mai nói, sau hơn nửa thế kỷ theo đuổi hội họa, ông sẽ chỉ rời giá vẽ khi không còn trên cõi đời này.
Đau đáu với quê hương và chiến tranh
Năm 1970, hai năm sau khi lấy bằng kỹ sư lâm nghiệp, ông Lê Mai nhập ngũ, chiến đấu tại Quảng Trị. Trong ba lô theo chàng kỹ sư lâm nghiệp vào chiến trường có 4 lọ mực Cửu Long và 2 cây bút sắt.
“Ban đầu cũng chỉ nghĩ dùng bút, mực để viết thư nhưng vốn đam mê vẽ tranh từ nhỏ nên trên đường hành quân và sau mỗi trận đánh, tôi đã tranh thủ ký họa lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Giấy hiếm, mực ít nên phải lựa chọn những hình ảnh đặc biệt ấn tượng, gây xúc động mạnh mẽ mới vẽ lại. Chủ yếu là về tình đồng đội, về những hy sinh, những chiến công…”, lão họa sỹ nhớ lại.
Theo cựu chiến binh Lê Mai, cũng từ những năm tháng khói lửa chiến tranh ấy, vẽ tranh bút sắt trở thành cái nghiệp của ông. Trong số 6 triển lãm tranh cá nhân của mình, dòng tranh bút sắt luôn được bạn bè, đồng nghiệp, giới chuyên môn đánh giá cao. Dù từng thử thách với sơn dầu, bột màu… nhưng như chính Lê Mai thừa nhận, bút sắt mới thực sự là sở trường. Ông cũng rất ít khi vẽ trừu tượng, chủ yếu là hiện thực với cây đa, giếng nước, sân đình, dòng sông, con đò.
Có 3 chủ đề xuyên suốt, không bao giờ cũ, lặp đi lặp lại trong tranh Lê Mai đó là: danh nhân, chiến tranh và quê hương. Thời kỳ mới cầm bút sắt, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng sinh viên Lê Mai chủ yếu vẽ thần tượng. Đó là các chính trị gia, các văn nghệ sỹ nổi tiếng. Từ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch CuBa Fidel Castro đến các văn nghệ sỹ lớn như nhà thơ Hữu Loan, nhà văn Kim Lân, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu… đều được khắc họa một cách chân thực, toát lên đầy đủ những phẩm chất tiêu biểu của nhân vật.
Sau này khi trở thành người lính cầm súng chiến đấu, Lê Mai bắt đầu sáng tác về đề tài chiến tranh. Người lính và người nghệ sỹ gặp nhau trên đường hành quân, trong mỗi trận đánh đã đi vào tác phẩm của Lê Mai một cách tự nhiên.
Bút sắt Lê Mai khắc họa về chiến tranh có khói lửa, có hy sinh mất mát nhưng vẫn ngời lên những tin yêu, khát vọng về ngày mai hòa bình. Từ Thành cổ Quảng Trị, đường 9 Khe Sanh đến đất lửa Hàm Rồng, Phà Ghép mỗi một lần đi qua, anh bộ đội Lê Mai đều ký họa, lưu giữ lại những khoảnh khắc để sau này dùng ký ức tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh.
Tác giả nói, mình có 2 lần nhập ngũ nên vốn sống, vốn hiểu biết về chiến tranh, về người lính, về tình đồng đội rất phong phú. Nghệ thuật cũng như cuộc đời, nên tranh của Lê Mai gắn chặt với những câu chuyện chiến tranh xúc động, dể cảm, dễ yêu. Sau này, tại các cuộc triển lãm về đề tài chiến tranh cách mạng khắp trong Nam ngoài Bắc, tranh bút sắt của Lê Mai luôn có mặt, được giới nghệ thuật cũng như công chúng đón nhận.
Những năm sau chiến tranh, Lê Mai xuất ngũ, chuyển ngành về Ty Văn hóa Thanh Hóa (cũ). Cuộc sống khó khăn, họa sỹ phải mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhưng vẫn không rời bỏ dòng tranh bút sắt vốn đã ngấm vào máu. Thời gian này, ông dành nhiều thời gian để vẽ về quê hương. Họa sĩ Lê Mai nói mình là nông dân nên yêu quê theo cách của người ra đi từ làng. Gốc rạ, bờ tre, sân kho, mái đình… cứ thế đi vào tranh bút sắt.
Lê Mai tự bạch rằng: “Quê hương như chiếc bát pha lê/ Chiến tranh làm vỡ tung ngàn mảnh/ Tôi là một trong muôn ngàn mảnh ấy/ Văng ra khắp nẻo đất trời”. Có lẽ vì thế mà “Mảnh hồn làng” cũng là đề tựa duy nhất cho 6 cuộc triển lãm của cá nhân ông trong những năm gần đây.
Mãi đam mê với bút sắt
Lê Mai là số ít họa sỹ còn đam mê theo đuổi dòng tranh bút sắt. Đây là dòng tranh độc đáo nhưng rất khó để theo đuổi trong thời đại nghệ thuật hội họa đã có nhiều thay đổi.
Trong khi hội họa có rất nhiều thể loại với sự hỗ trợ của công nghệ, màu sắc cũng có sự pha trộn thì bút sắt chỉ với duy nhất một màu đen trên toan trắng. Có những điều mang tính ước lệ như vẽ mùa thu phải có màu vàng chủ đạo, vẽ mùa xuân phải có màu xanh thì bút sắt phải tìm hướng khác. Họa sỹ Lê Mai nói, việc chỉ có hai màu đen – trắng khiến cho người sáng tạo phải thử thách cảm xúc của mình.
“Khi vẽ mùa thu, chỉ có thể đặc tả cái điêu tàn, heo hút bằng những cành khô, lá xác xơ bay, những nếp nhà liêu xiêu. Những hình ảnh như thế, bút sắt lại là một lợi thế. Hay khi sáng tác về người nông dân, nông thôn, bút sắt cũng là một lợi thế trong việc khắc họa những vất vả, lam lũ”, họa sỹ bộc bạch.
Mươi năm trở lại đây, Lê Mai chuyển từ Hà Nội về quê, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) sống và vẽ. Xưởng vẽ của họa sỹ Lê Mai nằm ven Quốc lộ 1A luôn mở cửa đón khách và những người yêu thích hội họa. Ông nói, mình sẽ tiếp tục dòng tranh bút sắt và vẫn ham hở như thuở đôi mươi. Chỉ khác là giờ đây, các chuyến đi càng ngắn lại, chủ yếu vẽ bằng ký ức.
Họa sỹ Lê Mai, sinh năm 1944 tại xã Quảng Lĩnh, nay là xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông có bằng kỹ sư lâm nghiệp nhưng lại dành hết đam mê cho hội họa.
Lê Mai có 2 lần nhập ngũ (1970 và 1978), là thương binh hạng 4/4. Dù không được đào tạo về hội họa nhưng ông đã sống với đam mê vẽ tranh hơn nửa thế kỷ.
Tính đến nay, họa sỹ già đã có 6 cuộc triển lãm cá nhân. Tranh của ông trưng bày tại hàng trăm triển lãm về các chủ đề chiến tranh, quê hương và lưu giữ tại nhiều bảo tàng trong nước.
Ông có 3 người con trai thì 2 người theo nghiệp hội họa của cha. Lê Mai dự định năm nay sẽ tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 8 tại thành phố Thanh Hóa.