Đó là bà Lê Thị Mộng Thu (52 tuổi, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) và người phụ nữ may mắn là bà Nguyễn Thị Mịch (78 tuổi, trú cùng địa phương).
Cuộc đời bất hạnh của cụ bà bị mù Nguyễn Thị Mịch tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt, nhưng sự giúp đỡ, thương yêu của người hàng xóm Lê Thị Mộng Thu đã giúp cụ Mịch có những ngày tháng tuổi già của mình được an yên hơn, khi cụ ở tuổi thất thập.
Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, không mấy rộng rãi của bà Thu, chúng tôi chứng kiến cảnh bà Thu dỗ dành, bón từng thìa cơm cho cụ Nguyễn Thị Mịch nhẹ nhàng từng tí như chăm sóc cho mẹ của mình. Bón cơm xong, bà Thu dẫn cụ Mịch đi vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ…
Cụ Mịch là hàng xóm với bà Thu, không máu mủ ruột thịt gì với nhau. Cách đây 5 năm, thương cảnh cụ Mịch bị mù lòa 2 mắt, già yếu lại không còn người thân thích bên cạnh nên bà đưa về nhà phụng dưỡng.
Theo lời kể của bà Thu, hoàn cảnh của cụ Mịch vô cùng bất hạnh, cụ bị mù và mồ côi cha mẹ từ lúc 3 tuổi. Vì thương em gái, anh trai của cụ Mịch là ông Nguyễn Khái không lập gia đình, ở một mình làm lụng nuôi em gái mù lòa. Hai anh em đùm bọc nhau hơn 70 năm. Đến giữa năm 2014, ông Khoái ngã bệnh và bỏ lại người em gái mù lòa.
Tuổi cao sức yếu, không nơi nương tựa lại còn bị mù; chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của cụ, bà Thu đã đứng ra thay người anh trai quá cố tiếp tục cưu mang, chăm lo cơm nước cho cụ Mịch.
“Trước đây khi còn ông Khoái, vì thương hoàn cảnh 2 cụ già yếu, không người thân chăm sóc, tôi và một vài người trong xóm thường xuyên lui tới lo cơm nước, giặt giũ, vệ sinh cho cụ Mịch”, bà Thu chia sẻ.
Thời gian đầu sau khi ông Khoái mất, bà Thu cùng hàng xóm thay nhau đến nhà chăm sóc. Được vài tháng, cảm nhận được nỗi buồn, sự cô quạnh của cụ Mịch trong căn nhà sập sệ. Không màng đến khó khăn, đầu năm 2015 bà quyết đưa cụ về nhà nuôi như một thành viên trong gia đình.
“Lúc bàn với chồng về việc đưa cụ Mịch về nhà chăm sóc, tôi chỉ sợ chồng không đồng ý, nhưng chồng tôi vui vẻ và ủng hộ khi tôi nói chuyện này. Do đó, tôi phải có trách nhiệm hơn khi đưa cụ về chăm sóc”, bà Thu kể lại.
Nhà chật chội nhưng tấm lòng không chật, gia đình bà Thu vẫn dành riêng cho cụ Mịch một căn phòng vừa đủ đặt chiếc giường. Dù căn phòng không đầy đủ tiện nghi, không gian chật hẹp nhưng lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ và đầy đủ hơi ấm tình người dành cho cụ Mịch sống những năm cuối đời.
Hàng ngày, ông Nguyễn Công Dũng (52 tuổi, chồng bà Thu) đi làm thuê ở trang trại chăn nuôi để kiếm tiền nuôi hai đứa con ăn học. Còn bà Thu ở nhà quần quật với vài sào ruộng, lo chuyện nấu nướng và chăm sóc cụ Mịch.
“Gia đình tôi cũng không khá giả chi. Nhưng dù gì thì mình cũng đỡ hơn bà cụ, khi đã đưa bà về nuôi thì khó khăn vất vả gì thì cũng nuôi cho đường hoàng, không thì mang tội”, bà Thu chia sẻ.
Bà Thu kể, những ngày đầu đưa cụ Mịch về nhà chăm sóc, hàng xóm, người thân cũng dị nghị, lời ra tiếng vào. “Nhiều người bảo tôi bị điên mới ôm cái khổ vào bản thân. Có người lại nói cụ Mịch giàu có, chắc vì tiền, đất đai, tôi chăm sóc để lấy gia tài của cụ. Nhưng mà kệ, cô cứ nghĩ chắc kiếp trước cô nợ bà Mịch nên chừ phải trả cho nhẹ lòng”, bà Thu tâm sự.
Cứ thế, 5 năm nay, mỗi ngày bà Thu vẫn lo ba bữa cơm đều đặn, giặt giũ, làm vệ sinh cho cụ Mịch như mẹ ruột của mình.
Do tuổi tác càng cao, người già càng trở nên khó tính, sức khỏe của cụ Mịch cũng không còn như trước nhưng bà Thu không nề hà. Nhiều lúc ăn rồi cụ nói chưa ăn, thậm chí la mắng, nhưng bà Thu vẫn chấp nhận vì bà nghĩ đơn giản mình không nuôi cụ Mịch thì ai nuôi…
“Nhiều lúc cụ quấy, chửi mình, tuy giận nhưng vẫn thương cụ vì bệnh tuổi già. Đôi lúc phải năm nỉ, nói nhỏ nhẹ, nhiều khi dọa nên cụ mới “ngoan”. Tôi không sợ khổ vì chăm sóc cụ, chỉ sợ mai mốt tôi đau ốm hay có mệnh hệ gì, lúc đó lại không có ai chăm sóc cho cụ khi về già”, bà Thu bộc bạch.
Đồng hành với bà Thu là một gia đình biết quan tâm, chia sẻ. Nhờ đó những vất vả, cực nhọc được chia sẻ phần nào. Bà Thu chỉ dám ước có thật nhiều sức khoẻ, đủ khả năng chăm sóc cho cụ Mịch đến cuối đời.
Bà Phạm Thị Long (sống cạnh nhà bà Thu) cho biết, bà rất khâm phục tấm lòng cao thượng, thương người của bà Thu. Từ khi cụ Mịch được bà Thu đưa về nhà chăm sóc, cụ khỏe mạnh ra nhiều.
“Tôi hay nói với bà Thu là kiếp trước chắc nợ cụ Mịch nên kiếp này phải trả, vì có mấy ai lại đi nuôi người dưng. Ba mẹ mình nhiều khi còn không nuôi nổi, mà bà Thu lại đưa cụ già mù lòa về nuôi” - bà Long chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Tâm (hàng xóm bà Thu) thì cho biết, ở đây ai cũng nghèo, cụ Mịch cũng không có tài sản gì để thừa kế. Bà Thu tự nguyện chăm sóc cụ Mịch cũng vì tình yêu thương. “Không biết người khác nghĩ gì, còn tôi thấy bà Thu là người tốt, đáng khâm phục”, bà Tâm nói.