Nhiều người thích sử dụng massage để giải tỏa căng thẳng hay khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi, nhưng một phụ nữ 41 tuổi ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, gần đây sau khi đi massage đã phải vào viện cắt bỏ một nửa thận vì một sai lầm nguy hiểm.
Theo báo cáo của "White Deer Video", cô Miao (tên nhân vật đã thay đổi) 41 tuổi gần đây đã đến một tiệm massage. Trong quá trình nhân viên thực hiện, cô Miao cảm thấy dường như lực xoa bóp của nhân viên hơi mạnh khiến bụng cô khó chịu. Tuy nhiên, nhân viên massage lại nói rằng đó là chất thải đang được tống ra và các tế bào mỡ bị đốt cháy.
Sau khi về nhà, cô Miao cảm thấy bụng phình to và đau dữ dội, đồng thời xuất hiện các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy, cuối cùng cô rơi vào tình trạng nửa mê nửa tỉnh, gia đình mau chóng đưa đến khoa cấp cứu của bệnh viện.
Kết quả chụp CT scan toàn bộ ổ bụng cho thấy thận trái của cô Miao có tổn thương, và khối u mạch cơ mỡ (angiomyolipoma) bị vỡ dẫn đến xuất huyết. Báo cáo cho biết cô Miao có một khối u thừa ở thận trái, nhưng nó rất nhỏ và không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên sau lần đi massage, khối u đã bị vỡ và gây chảy máu ồ ạt.
Sau khi máu ngừng chảy, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật bóc tách khối u bị vỡ và cắt bỏ một nửa quả thận trái đã ngưng hoạt động.
Những trường hợp nào không nên massage?
Massage là một phương pháp vật lý trị liệu và chăm sóc sức khỏe truyền thống, tiết kiệm và tiện lợi, không cần thiết bị y tế đặc biệt, không bị ảnh hưởng bởi thời gian, địa điểm và khí hậu, có thể thực hiện xoa bóp bất cứ lúc nào. Massage có thể kích thích các dây thần kinh ngoại biên, tạo điều kiện lưu thông máu và bạch huyết, thúc đẩy quá trình trao đổi chất giữa các mô, phối hợp các chức năng của các mô và cơ quan, do đó cải thiện mức độ trao đổi chất. Massage cũng có thể cải thiện khả năng miễn dịch và giảm căng thẳng. Mặc dù massage mang lại nhiều lợi ích như vậy nhưng có 6 trường hợp không nên thực hiện massage.
1. Bệnh tiểu đường
Những người có tiền sử bệnh tiểu đường càng lâu càng dễ mắc các bệnh về mạch máu và thần kinh, chỉ cần da bị tổn thương sẽ kéo dài thời gian lành vết thương, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng. Đặc biệt bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi mạch máu dễ vỡ không nên tùy tiện xoa bóp. Nếu cần xoa bóp thì phải do bác sĩ có chuyên môn thực hiện, chú ý động tác nhẹ nhàng, chậm rãi, đồng thời rút ngắn thời gian xoa bóp.
2. Người bị huyết khối
Người bị huyết khối không nên xoa bóp, nếu không sẽ khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt đối với những bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch, việc xoa bóp có thể khiến huyết khối rơi ra và đi vào não và phổi cùng với tuần hoàn máu, dẫn đến tắc mạch phổi, nhồi máu não.
3. Phụ nữ đang có kinh nguyệt hoặc mang thai
Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt không nên xoa bóp đặc biệt vùng thắt lưng và vùng chậu, nếu không sẽ kích thích tử cung, làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
4. Người bị chấn thương ngoài da
Không xoa bóp khi da bị bỏng hoặc viêm nặng hoặc bị chấn thương, để không làm trầm trọng thêm tình trạng viêm. Đặc biệt đối với bệnh nhân da bị mụn rộp, việc xoa bóp thông thường sẽ làm vùng nhiễm trùng bị mở rộng.
5. Bong gân hoặc gãy xương cấp tính
Sau khi bị bong gân cấp tính, mô mềm nơi bị bong gân thường phù nề và xung huyết, việc tùy tiện xoa bóp sẽ làm trầm trọng thêm triệu chứng sưng đau. Người bị trật khớp hoặc gãy xương cũng không nên xoa bóp để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng trật khớp xương, khiến các đầu nứt gãy tổn thương dây thần kinh ngoại biên, các cơ quan và mạch máu, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
6. Sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật, cơ thể tương đối yếu, vết thương còn chưa lành hẳn, xoa bóp không thể huy động khí huyết toàn thân mà càng làm trầm trọng thêm sự suy nhược.