Trong một lần về Việt Nam chơi, bà N đi khám, xét nghiệm có huyết thanh chẩn đoán dương tính giun lươn.
Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, gần đây, bệnh nhân bất chợt phát hiện nhiều nốt sẩn ngoằn nghoèo trên da, có di chuyển. Thỉnh thoảng bệnh nhân thấy tức ngực, ho khạc ra đờm có những sinh vật nhỏ ngọ ngoậy. Qua khai thác, bệnh nhân cho biết, không lội ruộng ở đâu ngoài việc nhà có mảnh vườn nhỏ trước sân, thường xuyên tự trồng và chăm hoa.
Cũng theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, đây không phải trường hợp đầu tiên mắc bệnh giun lươn đến khám và điều trị tại viện. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một số ca được chẩn đoán mắc bệnh giun lươn.
Giun lươn lưu hành khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 35 triệu ca mắc. Tại Châu Á giun lươn có khắp các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philipines, Malaysia…
Giun lươn sống tự do trong đất hoặc ký sinh ở động vật. Chúng có 3 giai đoạn vòng đời: Giun trưởng thành, ấu trùng rhabditiform và ấu trùng filariform.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người có từng nhiễm giun lươn lên đến 29.1%. Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ cao nhất lên tới 42.4%.
"Hầu hết các ca nhiễm giun lươn thường không có triệu chứng, đôi khi chỉ có mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy ậm ạch khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ", Ths.BS Cấp cho hay.
Tuy nhiên những bệnh nhân này nếu vì lý do gì đó bị suy giảm miễn dịch sẽ khởi phát siêu nhiễm dẫn đến tình trạng rất nặng với các biểu hiện: Viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn đường ruột, nhiễm ấu trùng giun lươn lan tỏa ở nhiều vị trí như màng não, màng tim, mắt... và tỷ lệ tử vong ở nhóm này có thể lên tới tới 40%.
Nếu bệnh nhân được xác định nhiễm giun lươn, liệu trình kháng sinh điều trị cần kéo dài ít nhất 2-4 tuần.