Mặc dù việc uống nước có lợi cho cơ thể nhưng mọi người vẫn cần dựa theo tình trạng cơ thể để xác định mức uống vừa phải, nếu lạm dụng sẽ nguy hiểm. Chia sẻ mới đây của bác sỹ Viên Vu Đình, (Đài Loan, Trung Quốc) về một trường hợp uống quá nhiều nước dẫn đến suy tim nghiêm trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân.
Trên "Y sư hảo lạt" - chương trình chuyên về sức khoẻ nổi tiếng, bác sỹ Viên Vu Đình cho biết, cách đây không lâu, bà tiếp nhận một nữ bệnh nhân 60 tuổi. Người này có tiền sử tiểu đường và bệnh tim, phải dùng thuốc trong thời gian dài. Sợ rằng lượng thuốc lớn đưa vào cơ thể sẽ gây độc, và nghe nói thói quen uống nhiều nước mỗi ngày sẽ giúp thanh lọc, giải độc, nữ bệnh nhân quyết tâm làm theo.
Mỗi ngày, người phụ nữ này uống 2,5 lít nước và ăn thêm nhiều trái cây mọng nước, uống canh hầm. Duy trì kiểu ăn uống này được 2 tuần, bà bắt đầu có triệu chứng khò khè, khó thở, không thể nằm xuống mà ngủ được, nên gia đình phải đưa đi khám. Qua xét nghiệm và chụp X-quang, bác sỹ phát hiện toàn bộ phổi của bệnh nhân đã trắng xóa. Bà còn bị suy tim nghiêm trọng.
Được điều trị, tình trạng bệnh giảm, nữ bệnh nhân được ra viện sau vài ngày nằm theo dõi.
Theo bác sỹ Viên Vu Đình, uống nước để thanh lọc cơ thể là tốt, là cách tăng cường trao đổi chất. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với một số người, chẳng hạn như người bị suy tim và bệnh thận. Cơ thể người suy tim không thể thải nước theo cách bình thường do trái tim không hoạt động đủ mạnh để đẩy nước ra ngoài. Người bị bệnh thận cũng không loại bỏ nước một cách dễ dàng do chức năng thận kém đi. Do đó, họ chỉ được uống nước vừa phải.