Người phụ nữ bị đột quỵ mắt
Bà Trương 60 tuổi là người sống tại Đài Loan, bà còn có tiền sử của bệnh cao huyết áp, đường huyết và mỡ máu cao. Những lúc thời tiết trở lạnh bà Trương rất hay dùng canh gà nấu dầu mè, không lâu sau, bà phát hiện thị lực mắt phải suy giảm và không thể nhìn rõ.
Lúc này bà chủ quan và nghĩ rằng đó chỉ là biểu hiện của tuổi đã cao, bà bỏ qua và cho rằng ngủ dậy một đêm mắt sẽ khỏi. Tuy nhiên, sau một đêm mắt bà không khỏi mà còn có biểu hiện nặng hơn. Lúc này bà mới đến bệnh viện để kiểm tra, kết quả hội chẩn cho thấy mắt phải của bà Trương bị tắc nghẽn bởi cục máu đông gây ra bệnh đột quỵ mắt, kết hợp phù hoàng điểm (điểm vàng) dẫn đến thị lực suy giảm.
Bác sĩ điều trị cho bà Trương cũng cho biết: Có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh huyết áp cao, đường huyết cao và mỡ máu cao dẫn đến bệnh đột quỵ mắt như trường hợp của bà Trương. Đường huyết cao sẽ làm chức năng của mạch máu suy giảm, huyết áp cao có thể gây ra xơ cứng mạch máu hoặc co rút mạch máu trong mắt, lúc này, nếu người bệnh không chú ý đến chế độ ăn uống thì mạch máu sẽ bị tắc nghẽn bởi cholesterol gây ra đột quỵ mắt.
Những nhóm người có khả năng bị đột quỵ mắt
Đột quỵ mắt không giới hạn độ tuổi, nhưng khi tuổi càng cao thì nguy cơ bị đột quỵ càng lớn, ở nam giới phổ biến hơn nữ giới. Các bệnh làm tăng nguy cơ đột quỵ mắt bao gồm:
– Huyết áp cao, cholesterol cao hoặc bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch
– Bệnh tiểu đường
– Bệnh tăng nhãn áp
– Người bị đau tim hoặc đã từng bị đột quỵ.
Làm thế nào để ngăn ngừa đột quỵ mắt?
Bảo vệ sức khỏe tim mạch là chìa khóa để ngăn ngừa đột quỵ mắt. Theo một bài báo trên Tạp chí Mắt, 64% người bị mắc đột quỵ mắt đều có các vấn đề về tim mạch, yếu tố phổ biến nhất là cholesterol cao. Để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ mắt, trong cuộc sống hàng ngày, cần ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau quả, ít ăn muối, ít dầu, không hút thuốc, không thức khuya quá nhiều, tăng cường phát triển thói quen tập thể dục đều đặn, khống chế cân nặng, thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt sức khỏe tim.