Người nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao?
"Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chia sẻ trên ZingNews, người nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện vào năm 1990. Lúc này, nữ bệnh nhân 30 tuổi."
Bà vô tình phát hiện bệnh khi làm các thủ tục xuất cảnh cùng người yêu - một nghệ sĩ múa ở châu u. Sau đó, bệnh nhân được theo dõi định kỳ. Đến tháng 1/1997, người phụ nữ này bắt đầu uống thuốc điều trị kháng virus (ARV).
Theo bác sĩ Hải, hiện nữ bệnh nhân 60 tuổi, sức khỏe vẫn ổn định, sinh hoạt hàng ngày diễn ra hoàn toàn bình thường nhờ tuân thủ điều trị. Bà được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên, Việt Nam trải qua 30 năm ứng phó với căn bệnh này. Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - cho hay Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng.
Vì sao đồng tính nam nhiễm HIV ngày càng nhiều?
Tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) nhiễm HIV gia tăng nhanh là một trong những lo ngại lớn tại Việt Nam trong những năm gần đây. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, giai đoạn 2010-2012, tỷ lệ dương tính HIV trong cộng đồng MSM khoảng 3% nhưng đến nay, con số này khoảng 12-15%, đặc biệt, tỷ lệ nhiễm mới cao.
Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Võ Triều Lý, khoa Nhiễm E, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ này tăng cao.
Theo bác sĩ Triều Lý, hành vi quan hệ tình dục trong nhóm MSM khá phức tạp. Về mặt sinh học, quan hệ tình dục qua đường hậu môn dẫn đến khả năng lây nhiễm HIV cao nhất do niêm mạc hậu môn mỏng, niêm mạc trực tràng có nhiều mao mạch, dễ bị tổn thương, chảy máu. Bộ phận này cũng không có các tuyến tiết chất nhờn để bôi trơn nên dễ bị trầy xước trong quá trình quan hệ.
Thông qua các tổn thương, virus HIV sẽ xâm nhập từ người nhiễm HIV sang người lành. Mặt khác, họ có xu hướng quan hệ tình dục không an toàn theo nhóm, thường xuyên thay đổi bạn tình, tiêm chích ma tuý, không chỉ quan hệ tình dục với nam mà còn cả với nữ. Đường lây của nhóm này thường chồng chéo nên tình trạng khó kiểm soát hơn.
Ngoài ra, những người này thường mắc kèm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà, lậu… Những bệnh lý này góp phần gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Trước đây, khoa Nhiễm E có lượng bệnh nhân điều trị nội trú cao, sau đó giảm xuống vì đối tượng dùng ma túy giảm dần. Hiện nay, số lượng bệnh nhân nội trú tăng trở lại đáng kể mà chủ yếu thuộc nhóm MSM.
Hiện tại, trong khoảng 70 bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối điều trị tại khoa Nhiễm E, số bệnh nhân nữ chưa đến 10 người.
Trong số các bệnh nhân nam còn lại, khoảng 1/3 trường hợp lây nhiễm do quan hệ tình dục khác giới, tiêm chích ma túy. 2/3 trường hợp lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục đồng giới.
"Hành vi sử dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích, thói quen không sử dụng bao cao su đã làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV trong nhóm này. Hơn thế, bản thân người MSM có nhu cầu quan hệ tình dục lớn nhưng nhiều người chủ quan, không chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và bạn tình", bác sĩ Lý cho biết.
Yếu tố còn lại khiến tình trạng bệnh nhân HIV thuộc nhóm MSM gia tăng liên quan vấn đề cảm xúc. Thông thường, dù biết có nguy cơ rất cao lây nhiễm HIV, những người này không muốn sử dụng các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là bao cao su vì không đạt đến cảm xúc trong quan hệ.
Chính vì những lý do này mà tỷ lệ người đồng tính nam nhiễm HIV ngày càng nhiều.
Các biện pháp phòng tránh HIV nhất định không được quên
1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục:
- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.
- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.
- Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV
2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu:
- Không tiêm chích ma túy.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV
- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,...
3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con:
- Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
- Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.