Phận đời côi cút
Trong căn phòng trọ tồi tàn, rộng khoảng 10m2 nằm cạnh khu nhà xác của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An, chàng thanh niên Hoàng Thanh Tuấn (22 tuổi, ngụ xã Phú Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) - sinh viên năm 3 của trường Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An) ngồi cặm cụi bên bàn học. Nhìn quanh, chẳng có vật dụng gì giá trị ngoài một chồng sách vở. Tuấn cho biết, ước mơ của em đã thực hiện được một nửa chặng đường. Với một đứa mồ côi, không một nơi nương tựa, bấu víu như em thì quãng đường còn lại sẽ rất khó khăn nhưng em sẽ cố gắng để viết tiếp ước mơ đó.
Tuấn có một tuổi thơ quá bất hạnh. Mẹ là Trần Thị Quang qua đời năm Tuấn lên 3, để lại cho bố một nách hai đứa con thơ dại. Ngày ấy, em trai của Tuấn mới 10 tháng tuổi. Ông Hoàng Văn Thuần (bố của Tuấn) cặm cụi làm thân gà trống nuôi con trong vất vả, đói nghèo.
Năm Tuấn lên 7, em trai 4 tuổi thì người cha lại bỏ lại hai đứa con mà theo mẹ về nơi chín suối vì căn bệnh ung thư vòm họng. Anh em Tuấn trở thành trẻ mồ côi, bơ vơ giữa cõi đời, sống dựa vào tình thương yêu của bà nội cùng bà con lối xóm.
Lớn lên trong hoàn cảnh không cha không mẹ nhưng anh em Tuấn được tiếng là những đứa trẻ ngoan, học rất giỏi, lại siêng năng. Tuy còn nhỏ nhưng Tuấn đã biết kiếm tiền bằng cách mò cua, bắt ốc về bán, kiếm tiền cho bà đong gạo, phụ bà chăm nuôi gà, vịt để bán, kiếm tiền trang trải việc học hành. Dù nghèo khó, không ai nhắc nhở việc học hành nhưng Tuấn học rất giỏi. Từ cấp 1 đến cấp 3, Tuấn luôn là học sinh giỏi của lớp, của trường, được thầy yêu, bạn quý.
Ước mơ trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cứu người, để thay đổi cuộc sống nên Tuấn cố gắng thi vào trường đại học Quân y nhưng thiếu mất một điểm.
"Em không xét nguyện vọng 2 mà quyết định vào Đà Nẵng làm thuê để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ vào năm tới. Từ phụ hồ, sơn nước, bảo vệ đến dọn toilet tại các khu du lịch... em đều nhận làm. Số tiền kiếm được em trích một phần gửi về cho bà nội trang trải cuộc sống, nuôi em ăn học. Phần còn lại em tích góp để trang trai việc ôn luyện, thi cử sau này", Tuấn chia sẻ.
Năm 2016, hạnh phúc vỡ òa khi Tuấn thi đậu vào trường Đại học Y khoa Vinh.
Nghị lực sống
Tuấn kể, ngày nhập học trong người chỉ vỏn vẹn 600 nghìn đồng. Dù bà nội Trần Thị Vinh (70 tuổi) bán lúa, vay mượn thêm dúi vào tay cháu thêm 1 triệu nhưng Tuấn không lấy. Để tiết kiệm tiền sinh hoạt cũng như phòng trọ, nam sinh này xin ở ghép với một bạn cùng trường.
"Những ngày nghỉ học em đều xin đi làm thêm bằng nghề phụ hồ, thợ sơn trong những công trình gần trường. Tối đến thì xin làm bảo vệ, bưng bê tại quán cà phê. Những ngày lễ thì xin làm tại nhà hàng nên cũng đủ chi tiêu cuộc sống sinh viên một cách tằn tiện.
Đã 2 cái tết em không về nhà với bà, với em, hương khói cha mẹ mà ở lại làm thêm. Ngày tết, người ta thuê công gấp 2, gấp 3 lần so với ngày bình thường nên em cũng ráng làm để kiếm thêm một khoản thu nhập", Tuấn chia sẻ.
Thời gian thấm thoát trôi, giờ đây, Tuấn đã là chàng sinh viên của năm 3 đại học. Cậu em trai của Tuấn nay đang học lớp 12. Bằng nghị lực vượt lên số phận, Tuấn đã trải qua biết bao sóng gió của cuộc đời để được như ngày hôm nay.
"Em sẽ cố gắng để hoàn thành tốt ước mơ của mình, trở thành bác sĩ cứu người. Sau này còn phụng dưỡng bà nội lúc già yếu. Bà đã vất vả quá nhiều. Và để dưới suối vàng, cha mẹ yên lòng nhắm mắt", Tuấn trải lòng.