Hoại tử, suy kiệt vì thuốc nam
Thạc sĩ bác sĩ Trần Xuân Vĩnh, Trưởng đơn vị Hóa trị và Chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết trung tâm cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân N.T.A. (49 tuổi, quê Phú Thọ) bị ung thư vú.
Năm 2017, chị A. được bác sĩ chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 3. Khi đó bác sĩ đã khuyên chị A. mổ và sau đó hóa trị, xạ trị để điều trị bệnh.
Tuy nhiên, chị A. đã không tin vào y học mà nghĩ rằng động dao kéo khiến bệnh nặng hơn nên chị A. đã không ở viện mà về nhà uống thuốc nam và đắp thuốc dẫn tới tình trạng nặng.
Khi vào viện, chị A bị suy kiệt toàn thân, thiếu máu, nhiễm trùng, nhiễm độc do khối u ở vú loét ra, hoại tử.
Chị A. cho biết bản thân vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và nghĩ bệnh mổ rồi nhanh di căn hơn nên chăm chỉ uống thuốc lá. Ai dè tình trạng bệnh nặng hơn.
Thạc sĩ bác sĩ Trần Xuân Vĩnh cho biết bệnh ung thư vú mà chị A. mắc phải là một bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi khi được phát hiện sớm.
Chị A. được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn III cách đây 2 năm, nếu người bệnh được tiếp cận với phương pháp điều trị khoa học, bài bản thì cơ hội chữa khỏi bệnh vẫn rất cao, rất tiếc là người bệnh này đã bỏ qua cơ hội điều trị bệnh của mình, tìm đến phương pháp điều trị không chính thống làm cho bệnh tiến triển xấu đi.
Hiện tại bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, với thể trạng rất suy kiệt, thiếu máu nặng, nhiễm trùng từ khối u vú phải hoại tử, vỡ loét.
Các xét nghiệm lúc mới vào thể hiện tình trạng bệnh rất nguy kịch: Huyết sắc tố chỉ còn 3g/dl (người bình thường 12-13g/dl), albumin huyết 22g/l (người bình thường >35g/l,), bạch cầu tăng rất cao > 50.000G/l.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh có giảm chút nhưng vẫn cần hội chẩn để đưa ra các biện pháp tiếp theo.
Trường hợp bà T.T. H. (47 tuổi, Phú Thọ) cũng phát hiện ung thư vú từ năm 2018. Bà H. lại không đến bệnh viện điều trị mà tự ý mua thuốc nam về đắp vào ngực trái. Sau 2 năm, khối u không những không đỡ mà còn có dấu hiệu phát triển to hơn.
Hai tháng gần đây, khối u trên ngực bà H. bị vỡ, chảy mủ vàng, khiến bà đau nhức nhiều, cơ thể yếu ớt người thân mới đưa vào bệnh viện.
Thạc sĩ Vĩnh cho biết các bác sĩ thường xuyên gặp những trường hợp như thế này. Với ung thư vú, nếu bệnh nhân nghe tư vấn của bác sĩ và tìm hiểu kỹ càng thì cơ hội điều trị khỏi rất lớn.
Hiện nay, ung thư vú ở Việt Nam tỷ lệ điều trị thành công lên tới 70 %. Chính vì thế, khi mắc ung thư vú người bệnh không nên sợ phẫu thuật, sợ động dao kéo hay hóa trị mà nên điều trị theo các phương pháp khoa học.
"Vỡ u sẽ khỏi"
Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện này cũng cho biết nhiều bệnh nhân bị ung thư phụ khoa đã về nhà điều trị bằng thuốc lá rồi đắp thuốc khiến bệnh nặng hơn.
Mới đây nhất trường hợp một bệnh nhân nữ 61 tuổi, bị ung thư âm hộ giai đoạn nặng vì u to choáng hết cả âm đạo, kèm theo mùi hôi thối.
Bệnh nhân phát hiện có u ở âm đạo đã tự mua thuốc lá về đắp và đến khi khối u to, bốc mùi khó chịu bệnh nhân xấu hổ lại càng bịt kỹ hơn. Chỉ khi nào đau đớn quá không chịu được mới chịu tới bệnh viện khám.
Khi vào viện ,bệnh nhân không thể đi nổi do khối u to chèn cả âm đạo và vùng bẹn. Những trường hợp như vậy, mổ cũng rất khó vì bệnh nhân có u to, thiếu vạt da để bù lắp vào phần da bị cắt đi. Bệnh nhân đang nhiễm trùng nặng bác sĩ phải điều trị nhiễm trùng trước mới mổ được.
Bác sĩ Tiến cho biết đa số bệnh nhân nặng vào viện bác sĩ hỏi có dùng thuốc lá, đắp gì không và đều nhận được câu trả lời là có. Người dân vẫn tin rằng những tổn thương lạ ở cơ thể đắp lá có thể hết được nên dẫn tới nhiều trường hợp bệnh nhân suy kiệt, tình trạng ung thư tiến triển nặng mới vào viện.
"Vỡ u sẽ khỏi" là câu nói nhiều ông thầy lang trấn an các bệnh nhân của mình. Chính vì thế, không ít trường hợp dù u to, loét, chảy mủ vẫn tin rằng u đang vỡ ra và nặn lẩy hết tế bào ung thư ra khỏi người là bệnh sẽ hết.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo khi có bất thường cần đi khám bác sĩ chuyên khoa và nên nghe tư vấn điều trị của bác sĩ chuyên khoa thay vì tin vào thầy lang.