Theo thông tin từ Báo Dân Trí, ngày 30/6, cư dân chung cư Nam Thanh (khối 12, phường Cửa Nam, thành phố Vinh, Nghệ An) ngỡ ngàng khi thấy thông báo dán tại bảng tin. "Đối với những hộ chưa đóng góp, không có thẻ mà lưu thông trên các tuyến đường trên, nếu bị lực lượng dân phòng, an ninh, công an tạm giữ thì phải nộp số tiền đối với ô tô 3 triệu đồng, với xe máy 1 triệu đồng. Đây là nghị quyết hội nghị nhân dân khối 12 họp ngày 9/6 (công trình do dân đóng góp thì dân quyết định", thông báo nêu.
Chị P.D.H. (cư dân chung cư Nam Thanh) thông tin trên Báo Dân Trí cho biết, trước đó, ban cán sự khối có vận động các hộ dân trong khu chung cư đóng góp để nâng cấp các tuyến đường trên. Mặc dù chung cư đã được chủ đầu tư xây dựng tuyến đường riêng nhưng gia đình chị và một số hộ khác thống nhất đóng góp 200.000 đồng/hộ.
Chưa kịp đóng thì thấy khối có thông báo "như ra lệnh", hộ có ô tô phải đóng 500.000 đồng, hộ đi xe máy 300.000 đồng. Cảm thấy chưa được tôn trọng nên chị H. và một số hộ dân không đóng góp nữa.
Theo chị H. việc đóng góp là tự nguyện, không thể ép buộc, càng không thể cấm người dân đi trên các ngõ này bởi đường là đường chung.
Theo ông Trần Văn Dũng - Khối trưởng khối 12, phường Cửa Nam - xác nhận chung cư Nam Thanh nằm giữa khối, mặc dù có đường do chủ đầu tư làm nhưng do xa hơn và phải đi đường vòng nên các hộ dân chủ yếu đi theo các ngõ trên để ra quốc lộ 46.
"Khi có chủ trương nâng cấp 3 ngõ này, trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, chúng tôi đã tổ chức họp và thống nhất vận động các hộ dân sống hai bên các ngõ đóng 5 triệu đồng/hộ, hộ nào có ô tô thì đóng thêm 2 triệu đồng.
Đối với các hộ dân chung cư Nam Thanh, chúng tôi thống nhất vận động mỗi hộ có ô tô góp 500.000 đồng, hộ đi xe máy góp 300.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ có 50 hộ dân chung cư Nam Thanh (chủ yếu là đảng viên) đóng góp làm đường, còn gần 130 hộ dân khác không đóng góp"."Vừa rồi chúng tôi tổ chức họp khối, các hộ dân thống nhất ai không đóng tiền làm đường thì không được đi. Việc cấp thẻ cho những hộ dân chung cư Nam Thanh đã đóng tiền cũng chỉ mới thông báo vậy thôi chứ chúng tôi chưa thực hiện", ông Dũng thông tin trên Báo Dân Trí.
Theo chủ tịch UBND phường Cửa Nam, việc ra thông báo với nội dung như trên là không có cơ sở pháp lý, vi phạm quy định giao thông đường bộ và các luật khác.
"Phường đã yêu cầu gỡ thông báo nói trên và giao ban quản trị chung cư thông báo đến người dân", chính quyền địa phương cho hay.
Góc nhìn pháp lý
Chung cư ngày càng trở thành lựa chọn của đa số người dân đô thị, nhưng sống ở chung cư cũng lắm chuyện “dở khóc, dở cười” ngay trong mối quan hệ của cư dân với cư dân vì chỉ một chữ… “chung”.
“Văn hóa sống tại nhiều chung cư hiện nay quả thực đang có rất nhiều vấn đề. Tất nhiên, chung cư là một xã hội thu nhỏ, mỗi người một tính cách và quan điểm sống, nhưng việc một vài cư dân lạm dụng quyền lực, đòi hỏi vô lý, thậm chí có ý kiến với cả không gian riêng tư vầ quyền tự do cá nhân của người khác là điều rất không nên”, bà Hương chia sẻ trên Báo Đầu Tư.
Ngoài ra, những mâu thuẫn, phản ứng của cư dân với chủ đầu tư sau khi về ở thì muôn hình muôn vẻ. Bà Lê Thị Ngọc, một người dân sống tại chung cư H.L.P.A, Quận 9, TP.HCM thông tin trên Báo Đầu Tư cũng cho rằng, khi chọn sống tại chung cư, nghĩa là cư dân muốn có cuộc sống yên bình và không muốn ai làm phiền như ở nhà phố, ra ngõ là thấy cãi nhau. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều chung cư cũng không còn cảnh yên bình khi nếp sống “soi mói” nhau khá phổ biến. Và cư dân sống trong cảnh phòng ngừa, sống không biết sao cho vừa lòng nhau.
Theo thông tin từ Chuyên trang Trí thức trẻ, ban quản trị chung cư là một tổ chức có vai trò quan trọng trong việc quản lý tình hình chung và an ninh của khu nhà chung cư. Ban quản trị chung cư là những người được đa số cư dân bầu lên, ngoài việc đảm bảo an ninh, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, còn là cầu nối cho người dân để giải quyết những vấn đề phát sinh cho cộng đồng chung cư, tạo lập một môi trường sống ổn định cho cư dân.theo quy định của pháp luật.
Đối với nhà chung cư có từ 20 căn hộ trở lên, phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Nếu dưới 20 căn hộ thì việc thành lập hay không sẽ do chủ sở hữu và người sử dụng quyết định. pháp luật quy định rõ về Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị chung cư, cụ thể theo quy định tại Điều 104 Luật nhà ở 2014 nêu Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị chung cư như sau:
- Đôn đốc, nhắc nhở các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong việc thực hiện nội quy, quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư;
- Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này và quyết định của Hội nghị nhà chung cư; báo cáo Hội nghị nhà chung cư việc thu, chi khoản kinh phí này;
- Đề nghị Hội nghị nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;
- Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư hoặc đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn ;
- Ký kết hợp đồng với đơn vị có năng lực bảo trì nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và giám sát hoạt động bảo trì. Việc bảo trì phần sở hữu chung có thể do đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư hoặc đơn vị khác có năng lực bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng thực hiện;
- Thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người sử dụng nhà chung cư về việc quản lý, sử dụng và cung cấp các dịch vụ nhà chung cư để phối hợp với cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét, giải quyết;
- Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong nhà chung cư;
- Thực hiện đúng quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua, không được tự bãi miễn hoặc bổ sung thành viên Ban quản trị nhà chung cư;
- Được hưởng thù lao trách nhiệm và các chi phí hợp lý khác theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khi thực hiện quyền và trách nhiệm không đúng với quy định tại khoản này;
- Thực hiện các công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao mà không trái với quy định pháp luật.
Việc Quyền và trách nhiệm của Ban quản trị đã được quy định rõ ràng trong Luật nhà ở. Thế nhưng tình trạng mâu thuẫn giữa cư dân và Ban quản trị vẫn xảy ra thường xuyên. Thậm chí xảy ra việc cư dân khiếu kiện hành vi vi phạm pháp luật của Ban quản trị.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 44 Thông tư số 02/2016/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Thông tư số 05/VBHN-BXD ngày 07/09/2021 về Ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu như sau:
"Ban quản trị, thành viên Ban quản trị nhà chung cư nếu vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư và Quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị bãi miễn, thay thế theo quy định của Quy chế này và bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 17 của Thông tư này quy định ban quản trị phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khi thực hiện quyền và trách nhiệm trái quy định.
Bên cạnh đó, các quyết định vượt quá quyền hạn của ban quản trị sẽ không có giá trị pháp lý; trường hợp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì các thành viên ban quản trị phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Tùy theo những tình huống tranh chấp xảy ra trên thực tế, cư dân có thể thực hiện những cách thức phù hợp để bảo vệ quyền lợi cho mình.