Chị Bùi Thị Ngân (sinh năm 1967, đội Đông Tiến - Nông trường Đông Hiếu) là công nhân nông trường đã có 15 năm công tác. Chị Ngân có khoảng 7 - 8 sào đất nông nghiệp là nguồn tư liệu sản xuất nuôi sống gia đình. Năm 2012 - 2013, thực hiện chủ trương thu hồi đất của nhà nước để giao cho Tập đoàn TH thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa tập trung, chị Ngân đã bàn giao diện tích đất nói trên.
Tại thời điểm thu hồi đất, lãnh đạo địa phương cam kết những hộ có đất bị thu hồi sẽ được bố trí việc làm tại Tập đoàn TH. Tuy nhiên, sau đó do tiêu chí tuyển dụng khắt khe, không đáp ứng được nên chị Ngân phải ra ngoài làm lao động tự do. Từ đó đến nay, chị Ngân vẫn tự bỏ tiền đóng bảo hiểm tại Nông trường Đông Hiếu. Vừa qua, lãnh đạo Nông trường Đông Hiếu thông báo tiến tới cổ phần hóa, những hộ không có đất, không có tài sản không được tính là công nhân và buộc phải cho ra khỏi danh sách đóng bảo hiểm. Chị Ngân mong muốn được tiếp tục tham gia bảo hiểm tại nông trường.
Chị Trương Thị Hồng (sinh năm 1982, đội Đông Sơn - Nông trường Đông Hiếu) cũng có hoàn cảnh tương tự. Năm 2012, chị đã bàn giao 1ha đất cho nhà nước để thực hiện dự án của Tập đoàn TH. Chị Hồng cũng không còn đất, trở thành lao động tự do, cuộc sống khó khăn. Từ đó đến nay chị vẫn tự bỏ tiền ra đóng bảo hiểm tại nông trường, nhưng vừa qua được thông báo là sẽ bị cho ra khỏi danh sách. Chị Hồng mong muốn tiếp tục được tham gia bảo hiểm như trước đây.
Theo ông Hứa Văn Anh - Giám đốc Nông trường Đông Hiếu, trước đây có hơn 100 công nhân nông trường đã bị nhà nước thu hồi 100% đất để giao cho Tập đoàn TH. Họ được hứa là sẽ được bố trí công việc trong Tập đoàn TH, nhưng do các lý do khác nhau, hầu hết đều trở thành lao động tự do nhưng vẫn nằm trong danh sách nộp bảo hiểm tại nông trường. Về sau một số người nghỉ hưu, xin chuyển công tác, hiện còn 97 người nằm trong danh sách nộp bảo hiểm.
Cũng theo ông Hứa Văn Anh, trong quá trình cổ phần hóa, những người trên không còn đất, tài sản nên không được tính là lao động của nông trường, phải cho ra khỏi danh sách nộp bảo hiểm. Tuy nhiên, tất cả họ đều có nguyện vọng được tiếp tục nộp bảo hiểm như trước. Các lao động không muốn tham gia bảo hiểm tự nguyện vì quyền lợi thiệt thòi hơn so với bảo hiểm tại nông trường. “Chúng tôi đã có văn bản gửi BHXH tỉnh Nghệ An xin ý kiến, nhưng chưa thấy trả lời. Các lao động này họ rất bức xúc, đã gửi đơn kiến nghị lên Nông trường” - ông Hứa Văn Anh cho biết.
Ngày 11.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An - cho biết, hiện chưa nhận được văn bản kiến nghị từ Nông trường Đông Hiếu. “Tuy nhiên, theo nguyên tắc phải có quan hệ lao động thì mới được tham gia bảo hiểm, không có ngoại lệ. Nếu các lao động nói trên có nguyện vọng thì tham gia bảo hiểm tự nguyện” - ông Giang nói. Về việc các công nhân không muốn tham gia bảo hiểm tự nguyện do thiệt thòi quyền lợi, ông Giang cho biết, sắp tới sẽ có sự điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn cho nhóm đối tượng này.