Cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nếu cha mẹ béo phì thì con cái họ cũng có nhiều khả năng bị béo phì, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra xem tình trạng này tiếp tục kéo dài bao lâu ở tuổi thiếu niên và trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Na Uy đã theo dõi dữ liệu của 2.068 người trưởng thành từ 40 đến 59 tuổi và cha mẹ của họ từ năm 1994 đến năm 2016 và phân tích xem cân nặng của họ có liên quan đến cân nặng của cha mẹ khi cùng ở một độ tuổi hay không. Khi chỉ số khối cơ thể (BMI) của mẹ tăng 4 đơn vị thì chỉ số BMI của con tăng 0,8 đơn vị và khi chỉ số BMI của bố tăng 3,1 đơn vị thì chỉ số BMI của con tăng 0,74 đơn vị.
Đặc biệt, nếu cả cha và mẹ đều béo phì ở tuổi trung niên thì con của họ có nguy cơ béo phì ở tuổi trung niên cao gấp 6 lần so với con của cha mẹ có cân nặng khỏe mạnh. Nếu bố có cân nặng bình thường nhưng chỉ có mẹ béo phì thì nguy cơ béo phì ở con cùng độ tuổi đó cao gấp 3 lần, còn nếu mẹ có cân nặng bình thường nhưng chỉ có bố béo phì thì nguy cơ béo phì ở con cùng độ tuổi đó cao gấp gần 4 lần.
Tiến sĩ Marie Mikkelsen thuộc Đại học Na Uy, người đứng đầu nghiên cứu này cho biết: “Những đứa trẻ có cha mẹ béo phì có nhiều khả năng bị béo phì ở độ tuổi 40 và 50. Dường như là sự kết hợp của các yếu tố di truyền với việc con cái thừa hưởng thói quen ăn uống và tập thể dục giống như cha mẹ chúng”.
Kết quả của nghiên cứu này sẽ được trình bày tại Hội nghị châu Âu về hội chứng béo phì tổ chức tại Venice, Ý vào tháng 5 tới.