Helen Russell, 43 tuổi, tác giả cuốn sách bán chạy nhất thế giới "The Year of Living Danishly" (tạm dịch: Một năm sống theo kiểu Đan Mạch), lần đầu tiên chuyển đến Đan Mạch, cô đã rất ngạc nhiên khi thấy người Đan Mạch dường như hạnh phúc và khỏe mạnh hơn rất nhiều.
Sau khi chồng cô nhận được một công việc tại Lego, họ chuyển đến Đan Mạch và 10 năm sau, cùng nuôi dạy ba đứa con, từ sáu đến chín tuổi, theo cách của người Đan Mạch.
Helen đã viết về những khác biệt văn hóa thú vị giữa Anh và quốc gia Bắc Âu trong cuốn sách "The Year Of Living Danishly" của mình. Trong cuốn sách mới "How To Raise A Viking" (tạm dịch: Cách nuôi dạy con cái của người Viking), Helen tập trung cụ thể hơn vào việc người Viking nuôi dạy con cái như thế nào khi cô cố gắng khám phá lý do tại sao Đan Mạch thường xuyên đứng đầu trong các cuộc khảo sát về các quốc gia hạnh phúc nhất trên trái đất kể từ những năm 70.
Theo UNICEF, trẻ em ở các quốc gia Bắc Âu – Iceland, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch – có tỷ lệ hạnh phúc cao nhất trên toàn cầu, trong khi trẻ em ở Anh và Mỹ mắc nhiều bệnh tâm thần hơn bất kỳ quốc gia giàu có nào khác.
Người Đan Mạch cũng áp dụng cách nuôi dạy con cái ít giáo điều hơn ở Anh. Ví dụ, trẻ em không học đọc cho đến khi chúng khoảng bảy hoặc tám tuổi, có rất ít bài tập về nhà và tự mặc quần áo từ khi mới chập chững biết đi.
Chúng ta có thể học được bài học gì từ cách nuôi dạy con cái ở Bắc Âu? Dưới đây là lời khuyên của Helen về việc nuôi dạy của người Viking.
1. Ra ngoài, bất cứ thời tiết như thế nào
Dù mưa hay nắng, người Đan Mạch đón nhận không gian ngoài trời và các yếu tố tự nhiên quanh năm. Đan Mạch có mùa đông lạnh hơn nhiều so với Vương quốc Anh, vì vậy không có lý do gì để bào chữa nếu lười đi ra bên ngoài.
Helen nhấn mạnh rất nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích của việc dành thời gian cho thiên nhiên, cho biết: “Thật may mắn khi có một cơ thể lành lặn, vì vậy bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên mỗi ngày và vận động cơ thể. Tuy nhiên, 3/4 trẻ em ở Anh dành ít thời gian ở ngoài trời. Thêm nữa, nhiều người có xu hướng ở trong nhà khi trời ẩm ướt và có gió. Ở các nước Bắc Âu, không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không phù hợp mà thôi".
Helen nói: “Thời tiết ngoài trời giúp nâng cao khả năng chịu đựng sự khó chịu của con. Khi con làm được một việc khó, con cảm thấy tự tin, tự hào và có cảm giác làm chủ được cơ thể cũng như môi trường xung quanh. Thời tiết bên ngoài cũng giúp trẻ tự tin và tự chủ hơn khi hòa mình vào thiên nhiên".
2. Ăn uống lành mạnh và luôn cùng nhau
Theo Helen, người Đan Mạch rất ngạc nhiên khi thấy người Anh yêu thích khoai tây chiên đến mức nào.
Ở Đan Mạch, trẻ em không được tiếp xúc với những thực phẩm như vậy.
Helen nói: “Thậm chí tôi không thể mua từng gói khoai tây chiên giòn ở nơi tôi đang sống, Jutland. Tất nhiên, có bánh ngọt Đan Mạch và mọi người ăn rất nhiều bơ. Nhưng điều quan trọng là cung cấp cho trẻ thức ăn để cung cấp năng lượng cho chúng như yến mạch, bánh mì lúa mạch đen và các sản phẩm tươi sống theo mùa. Người Đan Mạch luôn ngồi ăn cùng nhau như một gia đình”, Helen nói.
3. Ưu tiên thời gian chơi
Ở các quốc gia Bắc Âu, thời gian vui chơi rất quan trọng trong khi nhiều trẻ em ở Anh hiện nay quá bận rộn nên không có thời gian vui chơi.
Helen nói: “Các nghiên cứu (của The Lego Foundation) cho thấy vui chơi khiến chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn, đồng thời có thể hỗ trợ việc học tập, cải thiện khả năng giải quyết vấn đề và thậm chí giúp cải thiện khả năng di chuyển xã hội và giảm bất bình đẳng”.
Về mặt thể chất, việc đùa giỡn cũng được coi là tốt cho con. Helen cho biết: “Sẽ không có vấn đề gì nếu con bị va đập và bầm tím một chút".
4. Hát lớn và tự hào
Người Anh nổi tiếng là người tự ti nhưng người Đan Mạch lại thích ca hát.
Helen nói: “Ca hát được coi là tốt cho tâm hồn, và hát cùng nhau thậm chí còn hay hơn. Người Đan Mạch sẽ cùng nhau hát trong trường học, văn phòng, nhóm thể thao và các sự kiện cộng đồng. Hát cùng nhau tạo ra cảm giác rằng con đang tham gia vào một điều gì đó lớn lao hơn bản thân mình và hòa hợp với những người khác.
5. Khuyến khích nói nơi công cộng
Mặc dù trẻ em Đan Mạch có thể không được học đọc cho đến khi đủ tuổi đi học nhưng chúng luôn được khuyến khích tìm ra tiếng nói của mình, kể chuyện và chia sẻ ý kiến của mình.
Helen nói: “Người Đan Mạch tin rằng điều quan trọng là trẻ em cảm thấy những gì chúng nói là đáng giá và người lớn sẽ lắng nghe. Ngay cả việc khuyến khích con gọi món trong thực đơn hoặc tự trả tiền cho một món gì đó trong cửa hàng cũng tạo ra sự khác biệt. Việc bình thường hóa việc nói ra ý kiến sẽ giúp ích rất nhiều cho sự tự tin của con".
6. Đừng khen ngợi quá mức
Ở Đan Mạch, không phải mọi cột mốc quan trọng trong cuộc đời của một đứa trẻ đều là lý do để ăn mừng quá mức, hay như Helen nói: “Không phải bức ảnh nào cũng cần được treo trên tủ lạnh".
Cô nói: “Ở Đan Mạch và các quốc gia Bắc Âu khác, trẻ em bình đẳng và sự tôn trọng là điều đương nhiên".