Tờ Daily Record đưa tin, ngày 6/6, một nam sinh 14 tuổi của Học viện St Kentigern ở Blackburn, Lothian, Scotland tử vong tại trường do làm theo thử thách của Tiktok.
Sau khi Hamdan Aslam qua đời, một số phụ huynh cho biết con họ là nhân chứng của sự việc. Các bạn nói rằng nam sinh tử vong vì tự nguyện tham gia thử thách 'tap out' của Tiktok.
Hamdan Aslam đã để cho người khác ghìm tay quanh cổ cho đến khi ngạt thở, bất tỉnh. Sau khi nam sinh lên cơn co giật, các bạn báo cho giáo viên chủ nhiệm.
Cảnh sát Scotland đang trong quá trình khám nghiệm tử thi. Đồng thời điều tra sự việc và thẩm vấn các nhân chứng - những học sinh liên quan.
Sau sự việc thương tâm, ông Andrew Sharkey - Hiệu trưởng Học viện St Kentigern, gửi lời chia buồn đến gia đình nam sinh, đồng thời đề nghị hỗ trợ. Nhà trường cũng bố trí các hoạt động hỗ trợ tinh thần cho học sinh, nhân viên bị ảnh hưởng khi biết tin này.
"Chúng tôi muốn tôn trọng sự riêng tư của gia đình học sinh vào thời điểm này. Chúng tôi đang hỗ trợ cơ quan chức năng điều tra, xác minh sự việc. Do đó, chúng tôi sẽ không đưa ra phản hồi trong thời gian này", ông Andrew Sharkey nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Scotland - bà Jenny Gilruth, bày tỏ: "Tôi chia buồn với gia đình, bạn bè và nhân viên của nhà trường sau khi nghe tin dữ".
Về phía gia đình, một người họ hàng cho biết, không tin Hamdan Aslam tự nguyện tham gia thử thách cực đoan của Tiktok. "Hamdan Aslam ngây thơ, hiền lành, không làm hại ai. Tôi nghĩ, cháu đã bị bạn bắt nạt và ép phải tham gia thử thách trên", người này tiếp tục nói.
Trước đó, hồi tháng 1/2023, Milagross Soto, 10 tuổi, người Argentina cũng tử vong vì thực hiện thử thách dùng dây quấn quanh cổ của Tiktok. Khi cô bé được bố phát hiện trong phòng ngủ đã rơi vào trạng thái tử vong. Cũng tương tự trường hợp trên, cậu bé Joshua Haileyesus,12 tuổi ở bang Colorado, Mỹ cũng tử vong do thực hiện thử thách dùng dây quấn quanh cổ dẫn đến nghẹt thở.
Căn cứ vào dữ liệu thống kê của Bloomberg hồi cuối tháng 9/2022, trong 18 tháng qua, ít nhất đã có 20 trẻ em tử vong vì tham gia thử thách ngạt thở của Tiktok, trong đó có 15 trẻ em dưới 12 tuổi và 5 ở độ tuổi 13, 14.
Đây là bài học cảnh báo phụ huynh về tình trạng cho trẻ em dùng điện thoại lướt Tiktok, xem YouTube mà không có sự giám sát của người lớn.