Sau 4 năm kết hôn cuối cùng thì tôi cũng thực hiện được ước mơ mua nhà. Vợ tôi sức khỏe yếu nên từ sau khi mang thai là nghỉ ở nhà trông con. Cô ấy đi làm lại cách đây gần một năm, khi tôi thông báo mua nhà thì đưa được cho chồng 50 triệu, trong khi đó căn nhà cả 2,5 tỷ.
Chuyện mua nhà, vợ chồng tôi cũng thông báo với bố mẹ đôi bên. Vừa là thông báo cũng vừa để xem ông bà có giúp được gì thì giúp. Bản thân tôi dành dụm được 800 triệu, bố mẹ tôi đưa 700 triệu, trong đó 300 triệu cho đứt còn 400 triệu là cho vay không tính lãi.
Mong ngóng bố mẹ vợ cho được khoản bằng bên nhà tôi thì tốt quá, tôi chỉ cần đi vay thêm có 300 triệu nữa thôi. Ai ngờ mãi bố vợ mới đến chơi dúi cho tôi phong bì tiền, mở ra xem đếm được đúng 100 triệu mà tôi ngắn tũn mặt.
Cho như thế này thì thà rằng đừng cho còn đỡ mang tiếng! Vài bữa lại bảo túng thiếu đòi lại thì đúng là trò cười! 100 triệu tôi vay đâu chẳng được! Tính ra để mua được nhà còn thiếu rất nhiều, nghĩ mà chán nản. Bực bội và chán ghét nên khi bố vợ về tôi đã đưa trả lại ông, rồi tuyên bố mình tự lo được, không cần ông bà bận tâm!
Bố vợ ép nhận mãi không được cũng đành cầm tiền về, còn dặn tôi nếu thiếu cứ bảo. Tôi nói thẳng với vợ nếu đã như vậy thì nhà chỉ đứng tên mình tôi. Sau này có chuyện gì thì tôi đưa trả cô ấy 50 triệu là được. Nếu đứng tên cả hai người, chia chác tranh giành rất mệt mỏi. Đấy là trường hợp xấu thôi chứ tôi cũng không phải loại đàn ông bạc bẽo vô trách nhiệm. Thời gian vợ nghỉ ở nhà chăm con, tôi luôn lo lắng đầy đủ cho gia đình, chưa bao giờ cằn nhằn trách móc cô ấy nửa lời.
Tôi đồng thời nghĩ bụng sau này sẽ không có trách nhiệm hay quan tâm gì đến nhà vợ. Bởi vì lúc tôi cần đến có nhờ vả được gì ông bà đâu!
Cho đến cách đây mấy hôm, tôi đi nhậu với bạn về muộn, cũng tầm khoảng 11h đêm. Đêm tối lạnh lẽo, tôi chỉ muốn nhanh về nhà. Lúc đi qua đoạn đường vắng, không hiểu thế nào mà tôi lại nhìn sang bên kia đường, nơi có khu tập kết rác của người dân gần đó.
Tôi đờ đẫn cả người khi nhìn thấy hai bóng dáng quen thuộc, chính là bố mẹ vợ tôi. Đáng kinh hãi hơn cả là việc họ đang làm. Họ đang bới rác để nhặt ve chai, phế liệu có thể mang bán lại được!
“Nhặt nốt hôm nay mai mang bán, dồn lại cũng được thêm 10 triệu rồi ông nhỉ. Từ năm ngoái nghe con rể nhắc chuyện mua nhà, muốn cố gắng dành dụm cho chúng nó khoảng 200 triệu mà không kịp. Bây giờ sức khỏe yếu đi nhiều rồi, có cố gắng cũng chẳng làm được nhiều công việc nữa. Tôi đi xin làm thêm mấy chỗ buổi tối mà họ đều từ chối, rửa bát thuê họ cũng chẳng nhận…”.
Giọng mẹ vợ tôi vang lên. Sau khi kiểm tra thấy không còn gì nhặt được, họ lại xách lỉnh kỉnh túi phế liệu đi đến khu tập kết rác tiếp theo.
Lúc ấy tôi không lao lên vạch trần bố mẹ vợ. Nhưng trên đường về nhà, nước mắt tôi đã chảy ra từ bao giờ. Hình ảnh gầy gò khắc khổ của hai người khiến tôi không tài nào quên được. Tôi cũng nhận ra mình đã quá ích kỷ và vô tâm, quá coi trọng tiền bạc mà không biết rằng ông bà luôn cố gắng đến chút sức lực cuối cùng, mong cho chúng tôi được càng nhiều càng tốt.
Bố vợ sức khỏe yếu từ mấy năm nay, ban ngày ông bà cùng nhau bán quán hàng nhỏ. Tối đến đóng cửa hàng họ lại rủ nhau đi nhặt rác kiếm thêm, khi mà không xin được công việc gì khác.
Từ sau đám cưới, mỗi khi vợ chồng tôi ngỏ ý cho thứ gì thì ông bà đều xua tay không nhận, bảo rằng mình có nhiều rồi. Nhìn cuộc sống ông bà giản dị nhưng tôi nghĩ ông bà có của chìm cất đi. Giờ mới hiểu là họ thương con cái, không muốn nhận thứ gì của con cả. Sao tôi có thể so sánh với bố mẹ mình khi mà điều kiện nhà tôi khá hơn nhiều?
Đêm ấy tôi không tài nào ngủ được. Sáng ra, tôi xin lỗi vợ về sự tính toán của mình. Căn nhà vợ không góp nhiều tiền bạc nhưng cô ấy chính là người sưởi ấm nó, chăm sóc vun vén mỗi ngày. Tôi không dám nhắc chuyện mình bắt gặp bố mẹ vợ vì sợ cô ấy đau lòng, chỉ bảo vợ cần quan tâm bố mẹ nhiều hơn. Đồng thời báo với ông bà là chúng tôi đủ tiền rồi, không cần vay thêm nữa. Như vậy đã được chưa hả mọi người, tôi cần làm gì nữa để chăm sóc và bù đắp cho bố mẹ vợ?