Tuần thứ 35 của thai kỳ là thời điểm rất quan trọng đối với mẹ bầu bởi chỉ còn vài tuần nữa là thai nhi đã đủ tháng và chào đời. Đồng thời, đây là khoảng thời gian thai nhi không ngừng hoàn thiện cơ thể và các chức năng khác. Ngoài ra, thai nhi cũng đang dần tụt sâu xuống khung xương chậu để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sắp tới.
Bên cạnh đó, mẹ bầu nên theo dõi đều đặn những cơn co thắt tử cung để nhận biết sớm dấu hiệu sắp sinh bởi có không ít bé ra đời không đúng ngày dự sinh. Đặc biệt, dù tỉ lệ rất thấp nhưng vẫn có nhiều bé được sinh vào tuần thứ 35, điều này sẽ được coi là sinh non nhưng vẫn có khả năng thích ứng với cuộc sống bên ngoài khá cao.
Một số thay đổi của mẹ bầu ở tuần thứ 35
Thông thường, mẹ bầu sẽ bị những cơn đau đầu, chóng mặt làm phiền vào tuần thứ 35 của thai kỳ. Hiện tượng này xuất hiện là do thai nhi đã quá lớn đè lên các dây thần kinh, mạch máu làm giảm tốc độ máu lưu thông lên não. Trường hợp mẹ bầu di chuyển hoặc thay đổi tư thế đột ngột sẽ rất dễ dần đến hoa mắt, chóng mặt và thậm chí là bị ngã, do vậy bà bầu nên hết sức cẩn trọng.
Ngoài ra, trên cơ thể mẹ bầu còn xuất hiện các vết bầm tím, vết đỏ hoặc tình trạng phù nề ở tuần thai thứ 35. Để cải thiện tình trạng này, mẹ bầu cần có một chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý cũng như massage thường xuyên và vận động nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên vệ sinh răng miệng thường xuyên bởi các hormone thai kỳ trong thời điểm này sẽ giúp các vi khuẩn đường miệng hoạt động tích cực, gây hôi miệng và sâu răng.
Cần làm gì khi mang thai tuần thứ 35
Ở tuần thứ 35 của thai kỳ, các mẹ nên sắp xếp và chuẩn bị tất cả đồ đạc vào túi đồ dự sinh, bao gồm các món đồ cần thiết cho trẻ sơ sinh và mẹ sau khi "vượt cân" bởi bắt đầu từ thời điểm này bà bầu có thể chuyển dạ bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, bà bầu cũng tuyệt đối không được làm việc nặng để tránh những tai nạn không đáng có như sinh non, sảy thai,...
Bên cạnh đó, mẹ bầu nên lưu lại các số điện thoại của người thân, bạn bè, bác sĩ hay bệnh viện để phòng trường hợp chuyển dạ mà chỉ có một mình. Cạnh đó, nếu mẹ bầu nào chưa tiêm phòng uốn ván mũi 2 thì cần nhanh chóng thông báo và hỏi ý kiến bác sĩ. Mũi uốn ván thứ 2 nên được tiêm trước khi bạn "vượt cạn" ít nhất 4 tuần mới có tác dụng.
Đặc biệt, nếu thai nhi 35 tuần vẫn chưa xoay đầu xuống dưới khung xương chậu để sẵn sàng ra đời, mẹ bầu nên nhờ bác sĩ giúp đỡ để xoay ngôi thai.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu tuần 35
Đây là thời điểm mẹ bầu sẽ thường xuyên cảm thấy đói nên cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và thường xuyên. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không nên ăn quá nhiều sẽ dễ bị tăng cân quá nhanh và bị tiểu đường thai kỳ.
Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất để tránh táo bón thai kỳ. Ngoài ra, mẹ bầu nên ăn nhiều protein và thực phẩm giàu omega-3 để trí não bé phát triển tốt nhất.
Cạnh đó, mẹ bầu cũng cần bổ sung canxi để giúp hệ xương của bé phát triển ngay từ trong bụng mẹ. Thêm vào đó, cũng cần uống nhiều nước như nước lọc, nước canh, nước ép hoa quả sẽ rất có lợi cho sức khỏe của phụ nữ mang thai.