Mùa hè là thời điểm dễ bùng phát vi sinh vật nên việc ăn hàu sống tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là chưa kể nắng nóng thì các loài tảo độc cũng phát triển nở rộ. Tảo độc trở thành một phần thức ăn của hàu. Khi đó thì chính con hàu cũng nhiễm độc.
Theo ngành y tế bang Florida, từ đầu năm đến nay đã có 26 người nhiễm vi khuẩn Vibrio và 6 người đã chết sau khi ăn động vật có vỏ còn sống, bao gồm cả hàu. Năm 2021, 10 người chết trong số 34 người mắc bệnh. Năm 2020, có 7 trường hợp tử vong trong số 36 bệnh nhân. Tuần trước, một người đàn ông ở thành phố Pensacola đã tử vong sau khi nhiễm vi khuẩn từ hàu mua ở chợ.
Năm 2021, một người đàn ông ở Quảng Ninh, sau khi ăn hàu sống đã xuất hiện đau bụng, sốt cao, tụt huyết áp... được người nhà nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Hàu sống không bổ dưỡng hơn nấu chín
Ngoài việc vi sinh vật phát triển vào mùa nóng thì điều lo ngại hơn cả là ô nhiễm nguồn nước sẽ khiến hàu cũng bị ô nhiễm theo. Đó là việc hàu nhiễm kim loại nặng, tảo độc cùng nhiều chất bẩn khác nhau trong môi trường. Điều này được lý giải là hàu thường được nuôi ở các vùng ven biển, nơi có nhiều cửa sông, cống rãnh… đổ thẳng nước ra. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì hàu sẽ hấp thụ trực tiếp. Khi đó, việc ăn trực tiếp hàu sống sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Vi khuẩn độc hại
Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường ăn uống, cùng họ với vi khuẩn tả (vibrio cholerae) gây ra nên còn được gọi là "tả biển". Đây là vi khuẩn ưa mặn, tồn tại trong nước biển và các động vật biển như cá, tôm, sò, ốc... và đặc biệt là hàu, thường sống ở các cửa sông và ven biển hầu hết các vùng trên thế giới.
V.parahaemolyticus đã được xác nhận là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn do ăn cá biển, hải sản và hàu sống. Tình trạng thường gặp là viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn toàn thân và có thể dẫn đến tử vong.