Gà là thực phẩm quen thuộc vì dễ ăn, có thể chế biến được nhiều món, trong đó, thông dụng nhất là gà bóp gỏi, làm gà kho, gà chiên nước mắm, gà lá giang…
Gà hầm rau ngải cứu là món bổ dưỡng nhưng kén người ăn. Theo PGS TS BS. Nguyễn Thị Bay, Nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, đây là món ăn không chỉ dễ chế biến, giá rẻ mà còn rất tốt cho sức khỏe, nhất là với phụ nữ.
Nguyên liệu chính của món ăn này là thịt gà và rau ngải cứu. Ảnh: DT.
Bác sĩ Bay cho biết, thịt gà là nguồn cung cấp protein, axit amin, vitamin B3, selen, kẽm, các loại vitamin B và khoáng chất cần thiết để nuôi dưỡng cơ bắp cũng như tăng cường sức đề kháng. Còn ngải cứu là loại thảo mộc có khả năng giúp giảm viêm, cải thiện tiêu hóa, tăng cường miễn dịch nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào. Khi kết hợp ngải cứu và thịt gà sẽ là nguồn cung cấp vitamin, các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, món ăn này rất tốt cho phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh và mãn kinh, nhất là các bé gái mới bước vào tuổi dậy thì.
Theo bác sĩ Bay, phụ nữ sau sinh thường rất mệt mỏi do đau và mất nhiều máu trong quá trình sinh con. Vì vậy, bác sĩ Bay cho rằng, phụ nữ sau sinh có thể ăn thường xuyên món gà hầm ngải cứu để giúp bổ máu, phục hồi sức khỏe nhanh chóng hơn. Ngoài ra, món ăn này còn có tác dụng co hồi tử cung tốt nên sẽ giúp phụ nữ sau sinh, giúp đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn.
“Khi phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ bị suy giảm nội tiết tố. Khi ăn gà hầm ngải cứu sẽ giúp kích thích các cơ quan khác trong cơ thể như tuyến thượng thận sản xuất isoflavone và tiền chất estrogen, sau đó tổng hợp thành estrogen”, bác sĩ Bay giải thích. Vì vậy, bác sĩ Bay cho rằng, với phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh có thể ăn thường xuyên gà hầm ngải cứu.
Với các chị em phụ nữ bước vào ngày “đèn đỏ”, ăn món gà hầm ngải cứu sẽ không chỉ giúp bổ máu, mà còn giảm đi những con đau bụng kinh hiệu quả. “Với các bé gái bắt đầu tuổi dậy thì, ăn thường xuyên món này hơn”, bác sĩ Bay chia sẻ.
Phụ nữ đang mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ
Theo bác sĩ Bay, nguyên liệu chế biến món gà hầm ngải cứu gồm: thịt gà, rau ngải cứu, nghệ, rượu trắng, dầu ăn và các gia vị nêm nếm cho vừa ăn. Tuy nhiên, các nguyên liệu này nên lựa chọn mua loại đảm bảo chất lượng, còn tươi.
Nên chọn thịt gà và rau ngải cứu còn tươi và đảm bảo chất lượng. Ảnh: DT.
Với thịt gà, tốt nhất nên chọn loại gà thả vườn, gà ác… nhưng còn tươi sống, không nên sử dụng gà đã đông lạnh để lâu ngày. Gà mua về cần rửa sạch với nước muối, rượu hoặc dấm... để loại bỏ các chất bẩn có trong thịt gà mới chế biến. Với ngải cứu nên chọn phần ngọn và lá non. Ngâm ngải cứu trong nước muối pha loãng trong khoảng 10 phút, sau đó rửa lại với nước cho sạch. Khi nấu nên thái rau thành những đoạn nhỏ vừa ăn.
Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu, cho dầu ăn vào nồi, tiếp tục cho thịt gà vào xào sơ, đảo đều cho thịt gà săn lại. Tiếp tục cho ngải cứu và nước xâm xấp vào hầm đến khi thịt gà mềm và món ăn dậy thơm thì nêm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Bác sĩ Bay lưu ý, gà hầm ngải cứu là món ăn bổ máu huyết, giảm đau bụng kinh, duy trì nội tiết tố… Tuy nhiên, với những người vàng da, viêm gan, phụ nữ mang thai và cho con bú, bị sỏi thận, suy thận, xơ vữa động mạch, khi dùng ngải cứu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Không nên sử dụng ngải cứu trong thời gian dài, vì có thể gây nóng trong, mất ngủ, hồi hộp trống ngực, nổi mụn nhọt.
Đối với những chị em cần dùng các món có ngải cứu để tẩm bổ hoặc an thai… chỉ nên dùng 3 - 5 ngọn nhỏ (9 - 15g tươi), tránh dùng quá liều.