Tại hội nghị ung thư Pháp - Việt ngày 18/11, phó giáo sư Bùi Chí Viết, giám đốc chuyên môn Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết hiện cả nước có hơn 300.000 người sống chung với ung thư. Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN thống kê năm 2018 Việt Nam có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 người tử vong do bệnh này.
Toàn cầu hiện có khoảng 23 triệu người ung thư, trong đó mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư. Top một gồm 50 nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
Việt Nam ở vị trí 78 trong số 172 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát về ung thư, tỷ lệ tử vong 110/100.000 người, bằng Phần Lan, Somalia, Turmenistan. Số ca mắc mới ung thư tăng từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến vượt qua mốc 190.000 vào năm 2020.
Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, kế đó là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi.
Trung bình mỗi ngày Việt Nam có 315 người tử vong vì ung thư. Đa số người bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. "Phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp", bác sĩ Viết nhấn mạnh.
Mọi người cần có ý thức phòng bệnh, phát hiện sớm ung thư để điều trị kịp thời. Phòng bệnh bằng cách không hút thuốc, hạn chế bia rượu, ăn uống lành mạnh, giữ môi trường trong sạch, khám sức khoẻ định kỳ, vận động hợp lý, duy trì trọng lượng vừa phải, sinh đẻ có kế hoạch, tiêm văcxin phòng viêm gan B, HPV...