Trường hợp bé gái 8 tuổi ở Hóc Môn, TP.HCM nhập viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng lơ mơ, loạn tri giác là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh khi dùng miếng dán chống say tàu xe cho trẻ một cách vô tội vạ.
Được biết, bé gái này vừa có chuyến du lịch dài ngày với gia đình nhưng do bị say xe nên bố mẹ mua miếng dán chống say, dán hai bên mang tai cho bé. Sau chuyến đi chơi về, bé gái có dấu hiệu mất nhận thức, rối loạn tri giác và được đưa vào viện điều trị.
Qua thăm khám, bác sĩ xác định nguyên nhân dẫn tới bệnh tình của bé gái xuất phát từ miếng dán chống say tàu xe. BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, bệnh viện đã từng tiếp nhận những ca trẻ gặp biến chứng khi sử dụng miếng dán chống say xe.
Trước đó, cháu N.T.D. (ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) cũng phải chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vì ngộ độc thuốc chống say tàu xe.
Sau khi uống nhầm thuốc chống say tàu xe cùng cả chục viên thuốc cinarizin 25mg, D. ngủ li bì, nói sảng, đi loạng choạng. Khi gia đình đưa D. đến bệnh viện cấp cứu, cháu bé đã rơi vào hôn mê, thở yếu, tím tái, môi và da khô, đỏ, nhịp tim nhanh...
Trao đổi với PV, BS. Khanh khuyến cáo, miếng dán chống say tàu xe thường có chỉ định không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Miếng dán chống say tàu xe chứa dược chất scopolamin, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như: Táo bón, nhức đầu, rối loạn điều tiết mắt cũng như ảnh hưởng đến thần kinh...
Tác dụng phụ dùng thuốc say tàu xe:
+ Chóng mặt, mất phương hướng.
+ Hoảng loạn, gặp ác mộng, tim đập nhanh, nói sảng.
+ Hôn mê, ngưng thở.
“Trường hợp trẻ nhập viện khi đã tháo miếng dán, các bác sĩ dễ nhầm lẫn với triệu chứng của những bệnh khác như viêm não… Việc nhầm lẫn này vô cùng nguy hiểm và điều trị giúp trẻ khỏi bệnh nhưng các biến chứng gây ra sẽ ảnh hưởng tới thần kinh của trẻ sau này”, BS. Khánh lưu ý.
Cách phòng tránh say tàu xe cho trẻ:
+ Không nên cho trẻ ăn quá no hoặc quá đói trước khi lên xe.
+ Khi lên xe không nhắc chuyện say xe, ngồi chỗ tránh gió lùa.
+ Có thể dùng gừng xoa hai bên mang tai trẻ.
+ Trường hợp bất đắc dĩ mới cho trẻ dùng thuốc hoặc miếng dán chống say tàu xe. Tuy nhiên, cần đọc kỹ các hướng dẫn và chỉ nên cho trẻ trên 12 tuổi dùng.