Mẹ gọi điện, báo rằng mẹ quyết định rồi, đã bán đất, bán nhà, người ta đã đặt cọc. Đầu năm tới mẹ đã có thể ra Bắc sống với mẹ con Ngân Hoa.
Ngân Hoa nghe điện thoại của mẹ mà bủn rủn cả tay chân. Vậy là mẹ đã không nghe lời can của cô.
Mẹ là mẹ chồng Ngân Hoa. Mẹ chồng và bố chồng ly hôn từ ngày chồng Ngân Hoa còn nhỏ, sau đó, bà vào Tây Nguyên lập nghiệp, cưới chồng thứ hai ở đó. Nay ông chồng của mẹ qua đời, cậu con trai chung của ông bà đang học đại học ở TPHCM. Một mình mẹ cai quản chục ha đất cà phê và một ngôi nhà khang trang rộng rãi.
Không hiểu người chị chồng Ngân Hoa khuyên mẹ thế nào, mà bà quyết tâm bán đất, bán nhà để ra Bắc. Mà bà không sống với con gái, con rể, nhất định đòi sống với con dâu và cháu nội.
Vấn đề là con trai bà, tức chồng Ngân Hoa đã mất 2 năm trước, nay chỉ có Ngân Hoa là con dâu và đứa cháu nội. Nếu chồng Ngân Hoa còn sống, Ngân Hoa không phản đối việc mẹ chồng về sống chung với vợ chồng cô, nhưng nay cô thấy khó xử.
Đã nhiều lần Ngân Hoa thấy vợ chồng chị gái chồng dẫn các con vào Tây Nguyên thăm mẹ, thăm dượng và cậu em cùng mẹ khác cha. Những cuộc đi thăm đó đều vui vẻ. Lần nào trở về họ cũng ních đầy cốp xe bán tải các loại quà cáp mẹ gửi.
Hồi mùa hè năm nay, bỗng dưng mẹ gọi điện cho Ngân Hoa, tâm sự nhiều. Mẹ bảo vợ chồng con gái vào thăm, bà rất vui. Nhưng không hiểu tại sao con gái, con rể đều có vẻ giàu có, sang chảnh, đi du lịch cả nửa tháng với xe ô tô, nhưng không lần nào vào thăm mẹ mà không… xin tiền mẹ.
Rồi, rất nhiều lần họ tỉ tê với mẹ, khuyên mẹ bán cơ ngơi trong Tây Nguyên đi, rồi ra Bắc sống với con cháu, bởi nay cả 2 ông chồng đều đã mất cả rồi. Còn cậu con trai nhỏ, sau này cậu ấy ra trường, sẽ lập nghiệp ở thành phố, chứ cũng chẳng về Tây Nguyên làm cà phê. Mẹ một mình nơi xa xôi, họ không yên tâm.
Mới nghe, những tính toán ấy, ai cũng thấy có lý. Và mẹ gọi điện cho Ngân Hoa, mẹ nói đồng ý bán gia sản ở Tây Nguyên để ra Bắc cho gần con cháu, nhưng mẹ không sống với con gái, con rể, cũng không đưa tiền nhờ họ giữ. Mẹ biết, tiền vào tay họ thì một đi không trở lại. Mẹ hiểu con gái mẹ hơn ai hết nên mẹ chỉ tin tưởng con dâu.
Quyết định của mẹ khiến Ngân Hoa khó xử. Đã vài lần mẹ tâm sự chuyện bán gia sản, Ngân Hoa đã khuyên mẹ không nên. Làm cà phê bây giờ không vất vả nữa, mẹ đã thuê người làm hết. Nếu bán gia sản của mẹ, tiền lại chia thành nhiều khoản, chia cho các con đã đành, thế nào chị gái và anh rể cũng sẽ tìm mọi cách để “vay” tiền mẹ, để làm ăn, đầu tư, hay cho bất cứ dự án, mục đích nào của họ. Mẹ đã già rồi, cuối đời trắng tay, không nhà, không tiền, thì thật là bi kịch.
Mẹ hồn nhiên đáp: “Không nhà là thế nào! Mẹ sống với con và thằng đích tôn mà”.
Nhưng Ngân Hoa còn trẻ. Ngân Hoa có thể sẽ tái hôn nếu gặp người phù hợp. Hơn nữa, giả sử Ngân Hoa không nghĩ tới việc tái hôn, thì cuộc sống của Ngân Hoa và con trai cũng đã khác.
Ngày chồng vẫn khỏe mạnh, mẹ chồng ra chơi đã không hài lòng với việc Ngân Hoa cứ tối ngày bận rộn, ít có thì giờ dành cho gia đình. Bây giờ anh đã mất, Ngân Hoa thẳng thắn nói với mẹ rằng Ngân Hoa còn bận bịu kiếm tiền nuôi con hơn, cô sẽ không thể chu đáo chăm sóc mẹ được. Thời gian đầu mẹ có thể thấy bình thường, nhưng lâu dài sẽ sinh ấm ức, rồi lại đau khổ.
Nhưng mẹ không nghe Ngân Hoa khuyên can, bà đã quyết bán gia sản để sống với con dâu và cháu nội côi cút. Ngân Hoa bỗng òa khóc, cô thấy bế tắc, sao bi kịch đôi bên đáng thương đến thế! Thấy Ngân Hoa khóc, cậu con trai 7 tuổi hoảng sợ. Bé ôm chặt lấy mẹ, khóc theo.
Sau cơn khóc thỏa thuê, Ngân Hoa bình tâm lại. Dù sao mẹ chồng cũng đã quyết như vậy, cô đành theo kế hoạch của mẹ. Có điều, Ngân Hoa và mẹ sẽ phải ngồi với nhau để thỏa thuận sao cho hợp lý, vì để chung sống lâu dài, có lẽ cần phải có những trao đổi thẳng thắn và vui vẻ.