Mang thai và thực hiện thiên chức làm mẹ, bất kể người phụ nữ nào cũng đều mong muốn con phát triển bình thường và chào đời khỏe mạnh. Song, không phải ai cũng có được may mắn đó, chị N.Th (27 tuổi) ở Hải Phòng là người phụ nữ đã trải qua rất nhiều đau đớn và tuyệt vọng để được ôm trọn đứa con như ngày hôm nay, bé Sam bị sinh non ở tuần thứ 28 và nặng vỏn vẹn 5 lạng.
Giờ đây Sam đã hơn 6 tháng tuổi, con đã trở thành em bé thông minh, khỏe mạnh và rất xinh xắn. Thế nhưng, ít ai biết trước đây, con là một đứa trẻ sinh cực non, chào đời ở 28 tuần, chỉ nặng vỏn vẹn 500gram. Đó là một sự kỳ diệu không chỉ đối với cả gia đình mà còn nhiều người ngoài khi biết câu chuyện của con.
“Cơ hội giữ được con rất thấp, chỉ 1 phần nghìn, giữ được mẹ là may rồi”
Chị N.Th mẹ của em bé Sam chia sẻ, chị lấy chồng ở độ tuổi ngoài 20. Sau nhiều năm không thấy có tin vui chị quyết định nhờ đến phương pháp hỗ trợ sinh sản IUI, song vẫn không có kết quả. Chỉ đến khi chị phát hiện ra mình bị vòi trứng giãn tắc, điều trị đúng bệnh thì con yêu mới về bên bố mẹ.
Thế nhưng, cả quá trình mang thai chị phải đối diện với không ít khó khăn, phải nghỉ việc ở nhà, chỉ quanh quẩn trong phòng để giữ thai. Thai năm tuần chị Th. đi khám bác sĩ chuyên khoa phụ sản thì được thông báo chưa có noãn, lại ra máu dọa sẩy, tiên lượng xấu.
Cứ như vậy từng ngày trôi qua, vài tuần đầu mang thai chị luôn sống trong tâm trạng lo lắng, khi em bé được hơn 7 tuần chị được phát hiện tụ dịch màng nuôi và ra máu đến tận tuần thứ 11.
Tuần thai 16 bác sĩ nói chị bị động mạch cổ tử cung cao khiến con hạn chế hấp thụ dẫn đến chậm phát triển, con càng ngày càng còi so với tiêu chuẩn. Tuần 19 của thai kỳ, sau khi siêu âm bác sĩ phát hiện cổ tử cung ngắn hở eo phải khâu gấp.
Nhắc nhớ lại thời khắc cam go chiến đấu với các bệnh lý thai kỳ để giữ con, chị nói: “Vài tháng đầu thai kỳ mình sống thấp thỏm lo sợ vì ra máu và dọa sảy liên tục, mỗi lần thấy vậy là lại tới bệnh viện để nằm theo dõi cho đến khi nào ổn định mới lại về nhà.
Do mẹ mắc nhiều bệnh lý quá nên con chậm phát triển, mỗi lần sau khi khám và siêu âm, các bác sĩ đều nói với mức tăng trưởng như hiện tại thì em bé sinh ra dù có đủ tháng đủ ngày cũng chỉ khoảng hơn 2kg. Mẹ ốm nghén nặng nên không ăn uống được, em bé lại càng chậm tăng cân”.
Do không ăn uống được gì nên 4 tháng đầu thai kỳ chị liên tục sụt cân. Bước vào thai kỳ tuần 27 chị thấy cơ thể tăng cân bất thường, mặt và chân bắt đầu có dấu hiệu sưng phù, tức tốc tới bệnh viện kiểm tra thì thấy huyết áp bà bầu tăng cao 260mmHg, kèm các dấu hiệu đau đầu và buồn nôn.
Nhận thấy tình hình phức tạp, chị được chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương, khi này sức khỏe của chị mới dần ổn định được chuyển sang phòng dưỡng thai bệnh lý.
Dưỡng thai thêm một thời gian rất ngắn, bác sĩ kiểm tra nhận định không thể giữ thai ở lâu trong bụng hơn được nữa nên đã tư vấn cho người nhà để đi đến quyết định cuối cùng, chị Th. được mổ bắt con sớm hơn so với dự kiến sinh tận 3 tháng. Bé Sam chào đời được bác sĩ đặt lên bàn cân với vỏn vẹn chỉ 5 lạng, con phản xạ rất kém, không thở, tím tái, bé xíu chỉ có da bọc xương.
Ngay khi hoàn tất các thủ tục cần thiết tại phòng sinh, con được chuyển xuống phòng chăm sóc đặc biệt để được hỗ trợ thở máy sớm nhất có thể.
Đã 8 tháng trôi qua nhưng chị Th. vẫn nhớ như in cái cảm giác của ngày lên bàn sinh, có lẽ đó là ngày đáng sợ nhất cuộc đời chị.
Nỗi ám ảnh ấy không phải vì sợ đau đớn mà là bởi chị sợ con sẽ không thể sống sót. “Khi ấy bác sĩ nói cơ hội giữ được con rất thấp, chỉ 1 phần nghìn, giữ được mẹ là may mắn lắm rồi. Mình còn nhớ như in cái cảm giác nghẹn đắng không thể nói lên lời nơi cổ họng, muốn hỏi con sao rồi nhưng không thể mở miệng, chân tay thì nặng trĩu.
Ấy là đêm dài nhất mà mình từng trải qua nơi phòng hậu phẫu bệnh viện. Do mình mổ cấp cứu gây mê sâu nên không được nhìn thấy con, chỉ được chồng kể lại lúc con ra đời con tím đen, bé xíu da bọc xương nhìn xót lắm. Bác sĩ nói con gặp các vấn đề của trẻ sinh non như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, nhiễm khuẩn do nước ối, xuất huyết não…
Dù đã cố gắng không muốn nghĩ tới song vẫn tự trấn an bản thân rằng y học hiện đại sẽ có cách để cứu con ở lại với bố mẹ” – 9X tâm sự.
Từ đứa trẻ bé như chuột con lột xác thành thiên thần nhí
Sau sinh bé Sam được nằm lồng ấp và đó cũng là quãng thời gian cả nhà cùng ngóng tin con. Mặc dù buồn nhưng sự kiên cường và niềm tin con gái sẽ ổn đã giúp cho vợ chồng chị vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó.
Chị Th. kể, suốt khoảng thời gian con nằm lồng ấp, chồng chị ngày nào cũng canh giờ để được thăm con, rồi tối lại lang thang trong bệnh viện, nằm ở góc hành lang để luôn được ở bên cạnh con. Còn chị do mới mổ xong phải nghỉ ngơi để tránh hậu sản và các biến chứng sau sinh.
Gần 1 tháng sau sinh, khi sức khỏe ổn định chị mới được vào thăm con lần đầu. “Nhìn con nhỏ lọt thỏm như con chuột con không biết phải bế làm sao, máy móc quấn quanh hơi thở nặng nề xót xa lắm, không cầm được mắt mà phải cố không khóc. Lần nào vào thăm con hai vợ chồng cũng nói với con “cố lên có ba mẹ ở bên” – Mẹ Hải Phòng nhớ lại.
Do biến chứng của cao huyết áp, tiền sản giật nên sau sinh chị thường xuyên đau đầu, ngồi vắt sữa cho con nhưng chị có cảm giác như búa bổ vào đầu. Nhưng rồi với bản năng của người mẹ chị cũng đã vượt qua.
Chị Th. kể, giai đoạn chăm sóc con sinh non ở bệnh viện là gian nan nhất khi chăm trẻ sinh non bởi mọi thứ đều phải học hỏi. Chị phải học từ y tá, bác sĩ và cả trong sách nước ngoài về chăm trẻ sinh non.
Chị học từng cách ấp con như thế nào, phải thở như thế nào, ăn sữa ra sao rồi cả sắc thái mặt con để phát hiện được tím tái. Không những vậy, chị còn học cách mát xa để giúp con phát triển.
3 tháng sau sinh, cũng đúng vào dịp dự kiến sinh thì chị Th. mới được bác sĩ gọi vào để tập ấp kangaroo, lúc này con từ đứa trẻ 5 lạng đã lên 1,25kg. Một tuần sau thì con được xuất viện ra dịch vụ với mẹ.
Tuy nhiên, giai đoạn đó cũng không ít lần khiến chị thót tim. Đã có những lúc chị nghẹn lòng tưởng chừng như con không thể vượt qua được. Có lẽ hai vợ chồng chị sẽ không thể vượt qua được giai đoạn đó nếu không có được sự giúp đỡ của bác sĩ, của gia đình hai bên.
Sau ngày xuất viện về nhà, tình hình bé tiến triển hơn, bú bình được và cân nặng tăng dần lên. Con chính thức trở thành “chú lính chì” kiên cường, vượt qua rất nhiều gian nan trở thành em bé khỏe mạnh, cứng cáp và lanh lợi. “Con sinh thiếu tháng nhưng các mốc phát triển của Sam sêm sêm với trẻ đủ tháng đó ạ” – mẹ 9X tự hào khi nhắc đến con gái.
Tuy con đã được xuất viện nhưng khi trở về nhà, vợ chồng chị Th. vẫn tiếp tục với cuộc chiến khác. Từ một người không biết gì, vợ chồng chị trở thành bác sĩ của con, theo dõi từng cử chỉ để có thể xử lý kịp thời khi con tím tái, nôn trớ ra mũi.
Có lẽ khoảng thời gian kinh khủng nhất của anh chị là những tháng ngày chăm sóc em bé chào đời thiếu tháng, sau bao khó khăn, niềm hạnh phúc của chị chỉ đơn giản được thấy con phát triển từng ngày, anh chị đều cảm thấy mọi sự hy sinh cho con là hoàn toàn xứng đáng.