Ngành của tôi học khó xin việc, cưới xong lại mang bầu luôn đành ở nhà sinh con. Chồng tôi trước đi xuất khẩu lao động mà gặp đúng đợt Covid thành thử thu nhập không đáng là bao. Về trả hết nợ, mua được mảnh đất, xây căn nhà 2 tầng lên là hết sạch, thậm chí còn phải vay thêm mới đủ.
Không có việc, chồng tôi đành phải lên tận trên miền núi làm công trình cầu đường với bạn. Tôi bầu bí mà xa chồng nên mẹ anh thương lắm, bữa nào cũng gắp thịt cá đầy vào bát giục ăn.
Tôi bầu bí mà xa chồng nên mẹ anh thương lắm, bữa nào cũng gắp thịt cá đầy vào bát giục ăn. (Ảnh minh họa)
Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng lúc nào mẹ chồng cũng nghĩ cách tẩm bổ cho con dâu. Bà còn lên mạng tìm hiểu về thực đơn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai. Thấy bà cứ cặm cụi nấu nướng tẩm bổ cho mình, thương bà tôi bảo:
“Con bầu bí mà có nghén ngẩm gì đâu, ăn gì cũng thấy ngon nên mẹ không cần phải tẩm bổ nhiều cho con làm gì. Cứ để con ăn bình thường mẹ ạ”.
Bà cầm tay tôi giọng ân cần:
“Không được. Phụ nữ mang thai cần nhiều dinh dưỡng không sau này đứa trẻ ra đời không khỏe mạnh được”.
Thời gian gần đây công việc của chồng tôi khó khăn hơn, tiền anh gửi về để 2 mẹ con tôi chi tiêu bị trễ. Mặc dù nhà hết tiền nhưng mẹ chồng vẫn lo mua sắm đồ ăn thức uống cho tôi đầy đủ. Sợ con dâu nghĩ ngợi bà còn động viên:
“Người làm ra của chứ của không làm ra người. Con cứ chịu khó ăn vào, tiền hết rồi sẽ có”.
Hôm trước bà đi chợ mua một đĩa tôm về hấp nhưng lúc ngồi vào mâm bà không hề gắp con nào. Tôi thấy vậy gắp mời bà nhưng bà gạt ra bảo:
“Đợt này chẳng hiểu sao mẹ lại bị dị ứng hải sản, cứ ăn vào là bị ngứa nên mẹ không ăn đâu. Con ăn hết đi đừng bỏ thừa mà phí”.
Bà đi chợ mua một đĩa tôm về hấp nhưng lúc ngồi vào mâm bà không hề gắp con nào, để mình con dâu ăn. (Ảnh minh họa)
Mẹ chồng nói vậy rồi, tôi vô tư không nghĩ ngợi cứ vậy ngồi đánh chén một mạch hết đĩa tôm to. Ăn xong xong đứng dậy trước vào phòng ngả lưng cho đỡ mỏi chờ mẹ chồng thong thả ăn rồi ra dọn dẹp sau. Nhưng về phòng được vài phút nhớ ra quên điện thoại ngoài bàn tôi định đi ra lấy. Ai ngờ vừa ra tới cửa phòng lại thấy mẹ chồng ngồi bóc từng đầu tôm con dâu vừa bỏ ra mâm để ăn lại. Lúc đó tôi mới hiểu hóa ra bởi muốn nhường thức ăn cho tôi nên bà mới giả vờ dị ứng hải sản như vậy. Nghĩ tới đây tự nhiên mắt tôi cay cay, thương mẹ chồng vô cùng.
Tôi nhận ra mình vô tâm quá, trong khi bà lúc nào cũng thương mình, món ngon nhất đều phần con dâu rồi ngồi ăn cơm trắng với rau còn mình lại vô tâm chẳng để ý chăm lo cho bà.
Hôm ấy tôi gọi điện cho chồng vừa khóc vừa kể chuyện mẹ làm vậy, anh bảo:
“Thôi để mai anh ứng trước một ít lương gửi về”.
Càng nghĩ tôi càng thương chồng, thương mẹ chồng nhưng bản thân đang bầu bí chẳng làm gì giúp được. Chỉ mong con chào đời khỏe mạnh để tôi còn kiếm tiền phụ giúp chồng báo hiếu mẹ già nữa.
Chất dinh dưỡng nào cần thiết cho thai nhi trong 3 tháng đầu?
3 tháng đầu người mẹ cần đạt mục tiêu tăng 1-2 kg, đối với bà bầu béo phì thì không khuyến khích tăng cân, tránh những ảnh hưởng đáng tiếc sau này. Thời gian đầu thai kỳ, cơ thể sẽ phải đối mặt với những thay đổi nhất định về sinh lý để thích nghi với việc có em bé. Đây là thời kỳ quan trọng cho sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan quan trọng của thai nhi. Bởi vậy người mẹ không thể cung cấp thiếu chất đạm.
Bổ sung thêm 10-18g protein mỗi ngày
Thực phẩm chứa nhiều chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ... giúp phát triển các tế bào mô của thai, đồng thời giúp cho tuyến vú và mô tử cung của mẹ phát triển suốt thai kỳ, tăng thể tích tuần hoàn của mẹ.
Bổ sung ít nhất 15gr sắt mỗi ngày
Sắt có chức năng tăng thể tích máu, phòng ngừa thiếu máu ở mẹ, bởi vậy cần bổ sung đủ sắt thông qua các thực phẩm như thịt, gan, tim, cật, rau xanh và các loại hạt...
Bổ sung canxi
Canxi giúp hình thành xương, răng cho thai nhi, thai phụ cần chú ý bổ sung canxi trong sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh, đậu đỗ... Canxi giúp hệ thần kinh và đông máu bình thường cho mẹ, hình thành hệ xương khớp, răng vững chắc cho thai nhi. Nếu không đủ canxi trong thời kỳ này, mẹ bầu có thể cảm thấy đau nhức xương, bé bị còi trong bụng mẹ và sinh ra có nguy cơ còi xương.
Bổ sung axit folic
Acid folic giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ, tật nứt đốt sống trong bào thai. Mẹ bầu có thể bổ sung qua thực phẩm như các loại rau màu xanh thẫm như rau muống, cải xanh, súp lơ xanh, cải bó xôi, ngũ cốc hoặc một số loại hạt như vừng, lạc, thịt gia cầm, nội tạng động vật như tim, gan... Ngoài ra, thai phụ có thể sử dụng viên uống cung cấp axit folic theo chỉ định của bác sĩ tùy vào tình trạng.
Vitamin D, C hỗ trợ hấp thu canxi cho mẹ và bé
Bà bầu hoàn toàn có thể tắm nắng sớm để hấp thu vitamin D nhằm góp phần phát triển hệ xương cho thai nhi, hỗ trợ hấp thu canxi tốt hơn.
Vitamin C giúp hỗ trợ phát triển xương sụn, cơ khớp, mạch máu cho bào thai 3 tháng đầu, tạo bánh nhau vững chắc, tăng cường sức đề kháng. Bà bầu có thể ăn các loại rau xanh, trái cây như bưởi, cam, quýt... giàu vitamin C.