“Xin không khí sạch ở đâu?”
“Xin không khí sạch ở đâu?” đang là câu hỏi khiến nhiều bà mẹ “nhức não” tìm câu trả lời trong những ngày này.
Hàng ngày đi làm chục cây số trên đường, theo dõi chỉ số ô nhiễm trên ứng dụng điện thoại, chị Vân Anh (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cảm thấy vô cùng lo lắng khi rất nhiều ứng dụng đưa ra “cảnh báo đỏ” không khí rất có hại cho sức khỏe, không nên ra đường.
Cả tháng nay thời tiết thay đổi hễ đêm đến là con trai chị lại nghẹt mũi, khó thở. “Thương con ốm đau suốt vì không khí nhiều khói bụi. Làm thế nào để không khí Hà Nội bớt ô nhiễm, con tránh được những hạt bụi mịn xâm nhập vào hệ hô hấp?”, chị Vân Anh trăn trở.
Chị Nguyễn Hoài, một mẹ bỉm sữa tại Hà Nội cũng không khỏi lo lắng khi buổi sáng nay, mở facebook cá nhân chị em chia sẻ chỉ số ô nhiễm thấy “ngưỡng tím” ở nhiều địa điểm khắp Hà Nội.
“Một buổi sáng kinh hoàng, ô nhiễm lên ngưỡng tím ở nhiều điểm đo khắp Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng! Ngưỡng tím là ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ tất cả mọi người, nghiêm trọng hơn ngưỡng đỏ những hôm trước”, chị Hoài chia sẻ.
Những ngày này, chị áp dụng phương châm “3 không”. Đó là ra đường nhất thiết phải có khẩu trang chống bụi mịn PM2.5, không dùng khẩu trang thông thường; không tập thể dục buổi sáng; không mở các cửa thông gió; khi trở về nhà súc miệng bằng nước muối, rửa tay chân bằng xà phòng rồi mới chăm sóc con nhỏ.
“Mùa thu giao mùa lại thêm nỗi lo ô nhiễm, dịch bệnh, trẻ con trong nhà đau ốm liên miên. Mỗi tối, sau giờ con ngủ là thấy như năng lượng cạn kiệt, mệt phờ. Giờ chỉ ước con khỏe mạnh vui tươi thôi, không cần gì hơn”, chị Hoài bộc bạch.
Theo thông tin trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP.Hà Nội, số liệu quan trắc ngày 30/9/2019 cho thấy chỉ số chất lượng không khí AQI cao nhất là 175, đánh giá không khí ở mức kém (màu da cam) và có cảnh báo "nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài".
Bụi mịn xâm nhập vào cơ thể theo đường máu
Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh những ngày gần đây đang chìm trong lớp “sương mù” do ô nhiễm không khí và bụi mịn khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, lo lắng.
PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...
Theo PGS. Giáp, trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí.
Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn.
“Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng. Nhưng khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau”, PGS. Giáp phân tích.